Giáo trình Giáo Dục Gia Đình ppt
Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (286.19 KB, 51 trang )
Bạn đang đọc: Giáo trình Giáo Dục Gia Đình ppt – Tài liệu text
TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG
Khoa Mác Lê Nin
Giáo trình
Giáo Dục Gia Đình
Biên soạn: Phạm Thị Thu Hồng
Lời Mở Đầu
Do yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở nhà trường phổ
thông, các trường sư phạm cần phải đổi mới công tác giáo dục đào tạo. Trong
công cuộc đổi mới đó, đổi mới đào tạo giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công
dân chính thức được thực hiện thống nhất trong toàn quốc từ năm học 2002 –
2003. Chương trình đào tạo mới nhằm mục tiêu sau khi tốt nghiệp người sinh
viên có được những kiến thức sâu sắc và năng lực cơ bản đủ để làm tốt công
tác giảng dạy môn Giáo dục công dân và thực hiện việc phối hợp với các lực
lượng xã hội tổ chức tốt giáo dục nhân cách học sinh phổ thông.
Môn Giáo dục gia đình là một môn học nằm trong chương trình đào tạo của các
trường sư phạm nhằm đào tạo giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân ở
trường THCS và THPT. Nhưng hiện nay giáo trình Giáo dục gia đình dành cho
đào tạo giáo viên giáo dục công dân ở trường THPT chưa có. Từ thực tế trên
chúng tôi biên soạn Tài liệu học tập môn Giáo dục gia đình dành cho hệ đào tạo
Cử nhân ĐHSP – ngành Giáo dục Chính trị, trường Đại học An Giang nhằm
giúp sinh viên chủ động trong quá trình học tập.
Tài liệu học tập môn Giáo dục gia đình được biên soạn dựa vào giáo trình Giáo
dục gia đình, đào tạo giáo viên THCS hệ Cao đẳng sư phạm của Bộ Giáo dục –
Đào tạo, nhà xuất bản Giáo dục, năm 1998 cùng một số tài liệu có liên quan
được điều chỉnh, bổ sung và nâng cao phù hợp với hệ đào tạo Cử nhân ĐHSP
– ngành Giáo dục Chính trị. Thực hiện theo quy định của chương trình là 30 tiết.
Mặc dù trong quá trình biên soạn chúng tôi đã có nhiều cố gắng nhưng trước
yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, trước sự phong phú đa dạng của
thực tiễn; tập tài liệu này chắc không trách khỏi những hạn chế nhất định.
Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phê bình, đóng góp của các thầy – cô giáo
và các bạn sinh viên.
Xin chân thành cảm ơn!
Long Xuyên, tháng 12 năm 2005
Th.s Phạm Thị Thu Hồng
Bộ môn Mác-Lênin trường ĐHAG
Chương I: Gia Đình Tế Bào Của Xã Hội
Gia Đình Trong Lịch Sử Phát Triển Xã Hội
1. Các hình thức phát triển của gia đình.
– Gia đình là tổ chức cơ sở đầu tiên đối với đời sống của mỗi cá nhân, là tế bào
hợp thành đời sống xã hội.
+ Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người, ra sức lao động thì
xã hội không thể tồn tại và phát triển được.
+ Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, từ khi xã hội còn dã man, lạc hậu, trải
qua biết bao thời kỳ cho đến thời đại văn minh, mỗi cá nhân đều được sinh ra,
trưởng thành cho đến khi từ biệt cõi đời đều gắn bó với gia đình.
– Cá nhân, gia đình và xã hội có mối quan hệ biện chứng thống nhất, gắn bó
chặt chẽ với nhau, ngay từ xa xưa đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu
từ trên các bình diện hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục v.v…
+ Ðặc biệt nổi bật trong học thuyết Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của
Nho giáo.
+ Hồ Chủ tịch cũng thường xuyên chú ý đến mối quan hệ khăng khít, hữu cơ,
thống nhất giữa gia đình và xã hội nên đã khẳng định rằng: “Rất quan tâm đến
gia đình là đúng,… vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã
hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội tốt đẹp thì phải chú ý hạt nhân gia đình cho
tốt”(*).
– Từ lịch sử xa xưa của loài người, các hình thức phát triển của gia đình đã có
nhiều biến đổi. Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học và các tác giả
kinh điển thì loài người đã trải qua ba hình thức gia đình:
+ Thời đại mông muội cách đây hàng triệu năm, con người sống chế độ quần
hôn, quan hệ tính giao bừa bãi.
+ Thời đại dã man, từ 4 vạn đến 6 vạn năm trước Công nguyên hình thành gia
đình “đối ngẫu”. Ðến tuổi trưởng thành, mỗi người có chồng chính hay vợ chính,
người vợ không được quan hệ tính giao bừa bãi với người khác. Thời kỳ này
mối quan hệ vợ chồng rất lỏng lẻo, dễ dàng bỏ nhau.
+ Thời đại văn minh, 400 năm trước Công nguyên hình thành và phát triển gia
đình một vợ, một chồng là hình thức cao nhất cho đến nay.
2. Gia đình là gì?
Hiện nay có rất nhiều khái niệm về gia đình, mỗi khái niệm đều nhằm mục đích
khái quát đến những yếu tố cơ bản, đặc thù, nhưng chưa có một khái niệm nào
thật hoàn hảo và ngắn gọn nhất. Có một số khái niệm cơ bản sau đây:
2.1. Gia đình là tập hợp những người cùng chung sống thành một đơn vị nhỏ
nhất trong xã hội, họ gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu
(thường gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái)().
2.2. Gia đình là nhóm người chung sống với nhau dưới một mái nhà, có quan
hệ hôn nhân, huyết thống và nền kinh tế chung(2).
2.3. Theo Levi Strauss thì gia đình là một nhóm xã hội được quy định bởi ba đặc
điểm nổi bật là: bắt nguồn từ hôn nhân, bao gồm vợ chồng, con cái phát sinh từ
sự hôn phối của đôi nam nữ; tuy nhiên trong gia đình có mặt của những người
họ hàng, bà con hoặc con nuôi. Họ gắn bó với nhau bởi các nghĩa vụ và quyền
lợi có tính chất kinh tế và về sự cấm đoán tình dục giữa các thành viên(3).
2.4. Theo nhà xã hội học Nga T.A. Phanaxeva thì có ba loại quan niệm về khái
niệm gia đình là:
– Loại quan niệm thứ nhất: Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội có liên kết với nhau
bằng chỗ ở, bằng một ngân sách chung và các mối quan hệ ruột thịt.
– Loại quan niệm thứ hai: Gia đình là một nhóm nhỏ có quan hệ gắn bó giúp đỡ
lẫn nhau bằng tình cảm và trách nhiệm.
– Loại quan niệm thứ ba: Gia đình hiện đại là một nhóm xã hội bao gồm cha mẹ
và con cái của một vài thế hệ, các thành viên trong gia đình có mối quan hệ
ràng buộc về vật chất, tinh thần theo những nguyên tắc, mục đích sống như
nhau về các vấn đề chủ yếu trong sinh hoạt.
Như vậy, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình từ trên các bình diện
khác nhau nghiên cứu về gia đình. Ví dụ:
– Tâm lý học nghiên cứu quá trình hình thành phát triển nhân cách cá nhân
trong gia đình.
– Dân số học nghiên cứu vai trò và cơ cấu gia đình trong tái sản xuất ra dân số,
nhân khẩu, quy mô gia đình v.v…
– Kinh tế học nghiên cứu gia đình với tư cách là một đơn vị kinh tế, đơn vị tiêu
dùng.
Vì vậy, khi bàn về khái niệm gia đình, văn bản của Liên hiệp quốc có lưu ý rằng:
Gia đình là một thể chế có tính toàn cầu (Institution Universelle) nhưng lại có
những hình thức, vai trò khác nhau thay đổi từ nền văn minh này sang nền văn
minh khác, dân tộc này so với dân tộc kia. Do đó, không thể đưa ra một định
nghĩa chung có thể áp dụng cho toàn cầu.
3. Những đặc trưng cơ bản của gia đình.
Mặc dù đã tồn tại những định nghĩa khác nhau về gia đình và hình thái gia đình
cũng có những biến đổi nhất định trải qua các nền văn minh của nhân loại,
nhưng nó vẫn có những nét đặc trưng cơ bản là:
3.1. Gia đình là tổ chức cơ bản, gắn bó nhất của mỗi cá nhân. Mọi người đều
phải sinh ra từ trong một gia đình, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình bởi sự
chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ từ lúc còn là thai nhi cho đến khi trưởng thành và
cả quãng đời về sau.
3.2. Gia đình là nhóm xã hội có các giới tính (nam, nữ) hình thành và phát triển
từ hôn nhân tái sản xuất ra con người, tạo nên quan hệ ruột thịt, huyết thống.
Ðây là nét đặc trưng cơ bản nhất của gia đình.
3.3. Các thành viên trong gia đình có thể thuộc nhiều thế hệ được gắn bó với
nhau không chỉ vì quan hệ ruột thịt, huyết thống, mà còn có con nuôi ảnh hưởng
trực tiếp lẫn nhau về nếp sống sinh hoạt, phong tục, tập quán truyền thống…
tạo nên bản sắc văn hóa của gia đình.
3.4. Ðời sống gia đình được tồn tại và phát triển thường nhờ vào một ngân sách
chung do khả năng lao động của các thành viên đóng góp: gắn kết với nhau
bằng tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng nhất bởi quan hệ huyết thống.
3.5. Gia đình thường là những thành viên sống chung với nhau dưới một mái
nhà, kể cả những lúc xa vắng, họ vẫn có mối quan hệ khăng khít với chỗ ở, tổ
ấm chung đó.
Gia Đình Trong Sự Phát Triển Xã Hội Hiện Nay
Ai cũng biết rằng nhiều gia đình mới hợp thành xã hội, gia đình – tế bào của xã
hội. Điều này chỉ ra rằng giữa gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết với
nhau:
– Trình độ văn minh xã hội của mỗi thời đại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, cơ
cấu, chức năng, các quan hệ nội bộ gia đình.
– Đồng thời sự đổi thay, phát triển về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo
dục v.v… của xã hội trong các giai đoạn lịch sử khác nhau cũng tác động mạnh
mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng phát triển của gia đình về mọi mặt.
+ Xã hội Việt Nam truyền thống với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, với
nền sản xuất tự cung tự cấp dẫn đến gia đình đông nhân khẩu, đông lực lượng
sản xuất nhưng vẫn không đủ ăn, thậm chí nhiều gia đình không thể chăm sóc,
nuôi nấng được người già, trẻ nhỏ. Chính vì vậy mà đời sống xã hội về mọi mặt,
trước hết là việc xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất rất nghèo nàn. Tiếp đến các
điều kiện phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ thuật v.v… cũng lâm vào tình
trạng trì trệ, yếu kém…
+ Bước sang nền văn minh công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phát triển, năng
suất lao động của con người tăng lên không ngừng, sản phẩm xã hội dồi dào,
phong phú nên chất lượng cuộc sống của gia đình cũng được nâng cao hơn,
cấu trúc gia đình cũng ít nhân khẩu hơn. Như vậy, khi kinh tế – xã hội phát triển
khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ,… xu hướng gia đình được nâng cao đời
sống vật chất, tinh thần, gia đình hạnh phúc, đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
– Tuy nhiên, sự biến đổi giữa gia đình và xã hội không phải bao giờ cũng theo
quy luật thống nhất, đồng nhất mà có tính độc lập tương đối của nó.
+ Gia đình là một nhóm tâm lí tình cảm xã hội đặc thù, được xây dựng trên cơ
sở hôn nhân, tạo nên quan hệ máu mủ, ruột thịt và quan hệ tình cảm, trách
nhiệm thiêng liêng đã gắn bó các thành viên với nhau bằng sợi dây liên hệ
thường xuyên, lâu dài, suốt đời. Họ quan tâm đến nhau, hi sinh cho nhau không
quản thiệt hơn, dù có khi bị xa cách, bị chia ly, dù xã hội có những biến thiên
lịch sử, những đảo lộn to lớn cũng khó phá nổi những quan hệ này.
+ Lịch sử nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, biết bao gia đình
phải li tán, bị thất lạc, rời bỏ quê hương. Nhưng sau khi đất nước thống nhất, họ
lại tìm về gia đình, bản quán. Ðó là tính bền vững trong quan hệ gia đình.
Gia đình trong sự phát triển của xã hội hiện nay.
– Hiện nay chúng ta đang xây dựng, phát triển Nhà nước theo định hướng xã
hội chủ nghĩa, tức là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Một Nhà nước vì lợi ích
tự do, bình đẳng, văn minh, hạnh phúc của mọi gia đình, hoàn toàn khác với
Nhà nước thực dân, phong kiến trước đây chỉ vì đặc quyền của một bộ phận
thuộc giai cấp thống trị.
+ Tính chất ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa cùng với sự quyết tâm của
Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với mục tiêu làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng dân chủ, văn minh” là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển
toàn diện đời sống kinh tế vật chất cũng như đời sống tinh thần của mọi gia đình
Việt Nam.
+ Ðặc biệt trong những năm gần đây, với nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực của
nhà nước, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp… xây
dựng hạ tầng cơ sở và chủ trương nâng cao dân trí, thực hiện chương trình dân
số – Kế hoạch hoá gia đình (DS – KHHGÐ)… đào tạo cho đại bộ phận, gia đình
lao động ở thành phố và nông thôn và cả vùng sâu xa thoát khỏi cảnh đói
nghèo, cơ cực, vươn tới đầy đủ, ấm no.
– Có thể khẳng định chưa bao giờ như hiện nay, nhờ có sự quan tâm của Ðảng
và Nhà nước XHCN, đời sống của mọi gia đình đã và đang có những bước đổi
thay kỳ diệu, tạo nên bộ mặt mới của xã hội Việt Nam với những hứa hẹn ngày
càng giàu đẹp, văn minh hơn.
Các loại Gia Đình Và Chức Năng Của Gia Đình Việt Nam Hiện
Nay
Các Loại Gia Đình
Trong quá trình nghiên cứu, người ta thường đặt ra một số tiêu chí “chuẩn”
phục vụ cho mục đích nghiên cứu để phân ra các loại gia đình. Cách phân chia
đó cũng chỉ có tính chất tương đối, bởi các tiêu chí trong cơ cấu gia đình đều có
mối quan hệ gắn bó với nhau.
1.1. Nếu lấy số lần hôn nhân làm tiêu chí thì có hai loại là.
– Gia đình đơn hôn, thường xuyên tồn tại một vợ, một chồng từ lúc son trẻ cho
đến khi tóc bạc, răng long. Ðây là loại gia đình được mọi thời đại trân trọng vì nó
thể hiện được tình cảm chung thủy, thống nhất cuộc sống giữa người đàn ông
và người đàn bà.
– Gia đình đa hôn, người đàn ông có nhiều vợ. Ðây là gia đình thường phát triển
dưới xã hội phong kiến, được xã hội chấp nhận theo quan điểm “Trai năm thê
bảy thiếp. Gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Tất nhiên đây là loại gia đình
mang nặng màu sắc gia trưởng, thường xảy ra ở giai cấp bóc lột trong xã hội
phong kiến.
1.2. Nếu theo tiêu chuẩn là thế hệ trong gia đình thì chúng ta thường thấy.
– Gia đình hạt nhân, gồm có cha mẹ và con cái tức là chỉ có hai thế hệ. Ðây là
loại gia đình đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta cũng như trên thế giới do nền
sản xuất đại công nghiệp và khuynh hướng đô thị hóa.
– Gia đình đa thế hệ (tam, tứ… đại đồng đường), nhiều thế hệ chung sống với
nhau dưới một mái nhà. Ðây là loại gia đình có từ ba thế hệ trở lên, được gọi là
gia đình mở rộng gồm có ông bà, cha mẹ, cháu chắt… Hiện nay gia đình mở
rộng còn tồn tại trong đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa và một số ít ở nông
thôn.
1.3. Gia đình ở nước ta.
1.3.1. Sau khi chiến tranh kết thúc, có một loại gia đình mới phát triển gồm
những người bị mất vợ hoặc mất chồng do chiến tranh gây nên (họ có thể đã có
con riêng) phải tiến hành hôn nhân lần thứ hai, sau đó có con chung.
1.3.2. Nếu căn cứ vào số con trong gia đình theo tiêu chí DS-KHHGÐ thì có:
– Gia đình quy mô nhỏ: gồm cha mẹ và một hoặc hai con;
– Gia đình lớn: gồm cha mẹ và từ ba con trở lên.
1.3.3. Căn cứ vào sự hiện diện của cha hoặc mẹ trong gia đình, người ta còn
phân ra:
– Gia đình đầy đủ: có cả cha lẫn mẹ cùng chung lưng đấu cật xây dựng gia đình,
nuôi dưỡng, chăm sóc con cái;
– Gia đình không đầy đủ: chỉ còn cha hoặc mẹ (do góa bụa, hoặc li hôn) phải
gánh vác toàn bộ trách nhiệm trong gia đình. Trong những hoàn cảnh cụ thể,
các gia đình trên biến đổi cấu trúc: có bố dượng hoặc dì ghẻ.
1.3.4. Do hậu quả của chiến tranh, ở Việt Nam còn có không ít gia đình phụ nữ
thiếu vắng chồng, có con ngoài hôn thú, gia đình cô đơn – chủ yếu là đối với thế
hệ tuổi già.
Ngoài ra xuất phát từ cơ sở, mục đích nghiên cứu của các môn khoa học như:
xã hội học, tâm lí học, kinh tế học, tội phạm học v.v… mà người ta còn phân ra
các loại gia đình có những nét đặc trưng cơ bản khác
Các Giai Đoạn Phát Triển Của Gia Đình
Sự phát triển của một gia đình thường trải qua một số giai đoạn sau đây:
1. Giai đoạn thứ nhất.
– Trải qua thời kỳ yêu đương, đôi nam nữ có thể hiểu biết, chấp nhận những nét
tính cách, phẩm chất, năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của nhau.
– Họ tự nguyện kết hôn, chung sống với nhau hợp thức về mặt pháp lý, công
khai về mặt tình cảm, được xã hội công nhận đó là gia đình một tổ chức cơ sở
của xã hội.
2. Giai đoạn thứ hai.
– Từ khi kết hôn cho đến khi sinh đứa con đầu lòng. Ðây là giai đoạn vợ chồng
son trẻ. Sự thỏa mãn về nhu cầu tinh thần, nhu cầu sinh lý đạt đến đỉnh cao của
nó.
– Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình (chủ yếu của đôi vợ chồng son trẻ) mà
xuất hiện đứa con đầu lòng. Gia đình trong giai đoạn này có thêm chức năng
mới là nuôi dạy con cái.
3. Giai đoạn thứ ba.
– Từ khi sinh đẻ cho đến khi con cái trưởng thành.
– Ðây là giai đoạn cha, mẹ hết sức vất vả, gian khổ. Ngoài việc lo ăn, lo mặc,
dạy dỗ con cái, còn phải lo dựng vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, tạo
dựng tiền đề cơ bản giúp cho các con bước vào cuộc đời tự lực cánh sinh.
4. Giai đoạn thứ tư.
– Cha mẹ bước sang tuổi già, con cái đã trưởng thành có gia đình riêng, cha mẹ
già có thể ở riêng hoặc ở chung với con cái.
– Ðặc biệt là khi người cha hoặc người mẹ qua đời, đó cũng là giai đoạn giải thể
gia đình hạt nhân.
Sự phân chia ra các giai đoạn phát triển của gia đình chỉ có ý nghĩa tương đối
nhằm nhấn mạnh những nét đặc trưng, những chức năng nổi trội nảy sinh ra
trong từng giai đoạn mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm. Nhưng chức năng
xuyên suốt trong các thời kỳ của các bậc cha mẹ, rất có lí như nhà giáo dục
V.A.Xukhômlinxki viết: “Có hàng chục hàng trăm ngành nghề, công việc khác
nhau: người này xây dựng đường sắt, người kia làm nhà ở, người thì làm bánh
mì, người thì chữa bệnh… Nhưng có một công việc phổ biến nhất, phức tạp
nhất và cao quý nhất như nhau đối với mọi gia đình đó là sự sáng tạo ra con
người. Một sự nỗ lực cao nhất của tất cả các sức mạnh tinh thần của bạn. Ðó là
sự khôn ngoan, là tài nghệ, là nghệ thuật trong cuộc sống của bạn”
Các Chức Năng Cơ Bản Của Gia Đình
Theo ý kiến đa số của các nhà nghiên cứu Việt Nam thì gia đình có chức năng
sau đây:
1. Chức năng sinh đẻ.
– Bản năng sinh lí của loài người đã thúc đẩy quan hệ tính giao giữa người đàn
ông và đàn bà thông qua hình thức hôn nhân để sinh đẻ con cái, truyền sinh sự
sống duy trì loài người. Ðó là nhiệm vụ thiêng liêng (thiên chức) của các bậc
cha mẹ được “tạo hóa” trao cho quy luật sáng tạo cuộc sống, bảo đảm sự
trường tồn của nòi giống.
+ Xét về góc độ xã hội, quốc gia muốn hùng mạnh, phát triển thì tất yếu phải tái
sản xuất ra sức lao động xã hội. Nói đến tái sản xuất ra bản thân con người
nghĩa là sinh sản để thay thế những thế hệ đã mất đi do già lão, bệnh tật, tai
nạn bất thường v.v… đồng thời thế hệ được sinh sản sau phải là sức lao động
có trình độ, năng lực hơn những thế hệ trước để góp phần sáng tạo ra một xã
hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
+ Nếu không có chức năng sinh sản tái sản xuất ra sức lao động ngày một hoàn
hảo hơn của gia đình thì xã hội không những không thể tiến lên phía trước, mà
cũng không thể đứng yên được tại chỗ mà chỉ thụt lùi đi đến chỗ tiêu vong.
– Sinh đẻ, tái sản xuất ra sức lao động được coi là nghĩa vụ thiêng liêng của gia
đình đối với sự tồn vong của xã hội. Do đó, nam nữ xây dựng gia đình trên cơ
sở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và những con cái của họ sinh ra đều được pháp
luật, xã hội công nhận và bảo trợ.
– Trước đây, do trình độ nhận thức, trình độ phát triển khoa học kĩ thuật còn
thấp kém, con người chưa có ý thức đầy đủ và chưa có khả năng kiểm soát
điều tiết việc sinh sản để bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ, chất lượng đời sống cho
trẻ em. Việc sinh sản theo quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ” đã dẫn đến tình
trạng nhiều gia đình quá đông con nên nghèo đói, bệnh tật, trẻ nheo nhóc, thiếu
dinh dưỡng, không được học hành, tuổi thọ trung bình thấp v.v…
– Hiện nay chức năng sinh sản gia đình liên quan mật thiết với nguy cơ bùng nổ
dân số, nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên v.v… Vì vậy chức
năng sinh sản, tái sản xuất ra sức lao động phải:
+ Ðảm bảo số lượng và chất lượng cuộc sống của đứa trẻ, của các thành viên
trong gia đình là vấn đề nhân bản, khẩn cấp, có tính toàn cầu.
+ Riêng ở Việt Nam chúng ta đang đặt ra trách nhiệm cho mỗi cặp vợ chồng chỉ
sinh đẻ 1 hoặc 2 con nhằm thực hiện triệt để chương trình DS-KHHGÐ.
2. Chức năng nuôi nấng, giáo dục.
– “Con người muốn trở thành con người cần phải có giáo dục”. Ðó là một chân lí
đã được đúc kết trong lịch sử phát triển của nhân loại.
+ Từ nhỏ, con người không được giáo dục, lớn lên không khác gì cây hoang, cỏ
dại ở ngoài đồng và nếu không được sống trong môi trường gia đình và xã hội
thì cũng không khác mấy các loài động vật.
+ Trong lịch sử có hơn 30 trường hợp trẻ con bị lạc vào rừng được sói nuôi
dưỡng đã trở thành “người sói”. Tất cả những trường hợp của “đứa trẻ hoang
dã” dù sau khi được trở lại với xã hội người, đều có kết quả tương tự, khó lòng
trở thành một con người thực thụ.
– Quá trình nuôi dưỡng, giáo dục con người bắt đầu từ trong bào thai của mẹ
(thai giáo) và khi cất tiếng chào đời là ở trong môi trường gia đình. Sứ mệnh
nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ từ khi mới ra đời không thể giao phó, chuyển
nhượng cho ai có trách nhiệm hơn, tốt đẹp hơn là gia đình. Gia đình là “trường
học” đầu tiên đối với cuộc đời của mỗi con người.
+ Theo A.C. Makarencô: “Những gì mà cha mẹ đã làm cho con trước 5 tuổi, đó
là 90% kết quả của quá trình giáo dục”.
+ Kinh nghiệm giáo dục truyền thống của nhân dân ta cũng khẳng định:
“Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn trẻ thơ”
– Giáo dục gia đình không những có tác dụng mạnh mẽ, có ý nghĩa sâu sắc đối
với tuổi trẻ thơ, mà còn có ý nghĩa đối với cả cuộc đời của con người lúc đã
trưởng thành cho đến lúc tuổi già. Nói cách khác là những phẩm chất đạo đức,
tính cách, cũng như năng lực chuyên biệt của cha mẹ thường ảnh hưởng rất
lớn đối với con cái trong gia đình. Vì vậy, nhiều nhà khoa học đã nhận định: “Có
một thực tế lạ lùng là phần lớn những thiên tài đều có bà mẹ tuyệt vời và họ
nhận được ở người mẹ nhiều hơn là ở người cha”(*).
– Việc chăm lo nuôi nấng, giáo dục của cha mẹ đối với trẻ ở trong gia đình:
+ Trước hết là nhằm giữ gìn và phát triển thể chất, không để trẻ lâm vào tình
trạng đói, rét, suy dinh dưỡng, sống lay lắt, ốm đau bệnh tật ảnh hưởng đến thể
trạng của người công dân tương lai, đến nòi giống dân tộc.
+ Hơn thế nữa, cha mẹ phải thường xuyên tạo ra môi trường sống có ý nghĩa
và tác dụng giúp con cái hình thành và phát triển toàn diện nhân cách người
công dân chân chính tương lai.
+ Thực chất của việc tổ chức giáo dục trên là xã hội hóa đứa trẻ, biến sinh thể
tự nhiên thành một thực thể có khả năng hòa nhập, thích ứng, sống, học tập,
làm việc theo yêu cầu biến đổi của xã hội.
– Quá trình xã hội hóa đứa trẻ trong gia đình về đại thể diễn ra như sau:
+ Ngay lúc còn thai nhi, đặc biệt từ thuở lọt lòng, đứa trẻ đã được tiếp xúc với
nền văn hóa gia đình mà tiêu biểu là: trân trọng vị trí, công lao của cha, mẹ
(“Công cha như núi Thái Sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”); yêu
thương quý mến những người có quan hệ máu mủ ruột rà, ông bà, anh em, chú
bác, cô, dì… (một giọt máu đào hơn ao nước lã; anh em như chân với tay); đề
cao tình nghĩa vợ chồng, đạo lí giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình và họ
hàng, làng xóm, cộng đồng (một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ); tiếp thu những
kinh nghiệm về mọi mặt, nhất là về nghề nghiệp, về lao động sản xuất (đời cha
cho chí đời con, đẽo vuông rồi lại đẽo tròn mới nên,… hoặc: nước, phân, cần,
giống v.v…
+ Từ nền văn hóa gia đình, đứa trẻ càng trưởng thành càng tiếp xúc với nền
văn hóa rộng lớn hơn, phong phú hơn qua giao tiếp, học tập, lao động, vui chơi
giải trí, hoạt động xã hội, hoạt động tập thể v.v… Nó dần dần chiếm lĩnh một
cách chọn lọc, sáng tạo nền văn hóa xã hội ở mức độ cần thiết, nhất định.
+ Từ đứa trẻ ở trong gia đình biết vị trí của mình là con, là cháu, người anh,
người chị dần dần ý thức được là người công dân tương lai của đất nước với
những nghĩa vụ, quyền lợi được xã hội chấp nhận.
– Tất nhiên, quá trình xã hội hóa đứa trẻ không hoàn toàn do giáo dục gia đình
quyết định. Giáo dục gia đình – cha mẹ với tư cách là nhà giáo dục đầu tiên khơi
nguồn, mở mang cho việc hình thành và phát triển những yếu tố nhân cách gốc,
tạo cơ sở rất quan trọng cho đứa trẻ tiếp thu có hiệu quả giáo dục của nhà
trường, đoàn thể xã hội.
– Giáo dục gia đình có những nét đặc thù mà giáo dục nhà trường, giáo dục xã
hội không thể có, đó là:
+ Tình cảm yêu thương tràn trề của cha mẹ đối với con cái, nên họ sẵn sàng hi
sinh các điều kiện vật chất và tinh thần, dành mọi thuận lợi cho quá trình giáo
dục, miễn sao con cái nên người.
+ Ðồng thời, giáo dục gia đình là một nền giáo dục toàn diện, cụ thể hóa và cá
biệt hóa rất cao.
– Từ những vấn đề đã được trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng: nuôi nấng và
giáo dục con cái là chức năng đặc biệt quan trọng của gia đình, không có một
đơn vị, tổ chức nào có thể thay thế được. Do đó, việc hoàn thiện và nâng cao
hiệu quả giáo dục gia đình luôn luôn là một vấn đề thời sự có ý nghĩa rất mới
mẻ, rất cấp thiết của mọi dân tộc, mọi quốc gia.
– Chính vì vậy mà cần phải chống lại những quan điểm cho rằng, trong xã hội
hiện đại, chức năng giáo dục trẻ của gia đình đã được chuyển giao cho các thiết
chế xã hội như nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo và phổ thông, còn gia đình chỉ có
chức năng sinh đẻ và liên kết tình cảm.
– Ðặc biệt đối với những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đến mọi
lứa tuổi. Giáo dục gia đình cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng cực kỳ
nguy hiểm. Nếu các bậc cha mẹ lơ là không quan tâm đến việc nuôi dạy con
cái; không biết cách giáo dục con cái; thiếu gương mẫu trong cách sống, lối
sống của một người công dân chân chính, tất yếu sẽ đem lại những hậu quả
thảm hại đối với con cái trong gia đình.
3. Chức năng kinh tế đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mọi thành viên trong
gia đình.
– Từ bao đời nay, gia đình luôn luôn được coi là một đơn vị kinh tế sản xuất và
tiêu dùng của xã hội.
+ Con người sinh ra và lớn lên trong gia đình, trước hết là cần đến cái ăn, cái
mặc để tồn tại và phát triển, cần đến nhà cửa, nơi để che mưa, che nắng, cần
đến đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, đến thuốc men để chữa bệnh khi đau ốm.
+ Quá trình hình thành gia đình, từ hai người nam, nữ không quen biết đến yêu
thương nhau rồi thông qua hôn nhân tạo thành đạo nghĩa vợ chồng, sinh con đẻ
cái, nuôi dạy con cái trưởng thành. Ðó cũng chính là một quá trình tổ chức kinh
tế mà đôi nam nữ phải vượt bao vất vả, gian khổ bằng sức lao động của mình
để tạo dựng nên tổ ấm gia đình.
– Nói đến chức năng kinh tế của gia đình, trước hết phải nói đến làm sao đảm
bảo cho mọi thành viên có cuộc sống ấm no, đó chính là việc ăn, mặc, ở – nhu
cầu thiết yếu, cơ bản nhất của con người. Tất nhiên nhu cầu của con người
cũng ngày càng thêm phong phú, được nâng cao theo tiến trình phát triển của
xã hội, không dừng lại ở mức độ ăn no, mặc ấm mà tiến tới ăn ngon mặc đẹp:
nhà đủ tiện nghi, sang trọng; phương tiện đi lại của cá nhân nhanh chóng, thuận
lợi;… sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí thoải mái. Vì vậy:
+ Gia đình – cha mẹ là người phải biết tổ chức hoạt động kinh tế, sản xuất nhằm
tăng nguồn thu nhập từ các ngành nghề chính và nghề phụ, biết huy động và sử
dụng hợp lý sức lao động của mỗi thành viên trong gia đình, tổ chức lao động
có hiệu quả cao, trong đó cần lưu ý đến việc giáo dục tình cảm thái độ lao động
cho con cái và các thành viên khác trong gia đình, làm sao phát huy được tinh
thần tự giác, sáng tạo trong lao động để làm cho kinh tế gia đình ngày càng dồi
dào.
+ Ðồng thời với năng suất lao động tạo ra thu nhập cao của mọi thành viên, gia
đình cũng phải quan tâm đến việc chi tiêu (tiêu dùng) có kế hoạch, tiết kiệm như
phương ngôn có câu “Buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, đặc biệt là
phải tránh xa các tệ nạn nghiện ngập, cờ bạc… làm cho khuynh gia bại sản, đẩy
con người vào con đường cùng quẫn bằng những hành động mất nhân tính.
– Chức năng kinh tế trong gia đình có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn
của mọi thành viên, đồng thời quy định, chi phối các chức năng khác như sinh
đẻ, giáo dục, văn hoá, quan hệ… trong đời sống thường nhật của gia đình.
3.4. Chức năng thỏa mãn tinh thần, tâm lý.
– Từ xưa đến nay con người đã trải nghiệm và khẳng định gia đình là tổ ấm đối
với mọi cá nhân, dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng. Gia đình chính là nơi mọi
thành viên có điều kiện quan tâm, chăm sóc đến nhau, tạo nên sự thỏa mãn
những nhu cầu vật chất và tinh thần thiết yếu cho mỗi cá nhân. Họ có thể hi
sinh, nhường nhịn cho nhau vì tình yêu thương ruột thịt:
+ Như tình mẫu tử: “Chốn ướt mẹ nằm, ráo xê con lại”
+ Trong đạo vợ chồng: “Vợ chồng là nghĩa già đời Ai ơi chớ nghĩ những điều
thiệt hơn”
+ Tình anh em:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
– Gia đình – nơi đây là không gian thuộc quyền sở hữu riêng của mọi thành viên
trong gia đình thường xuyên đem lại cho họ cảm giác an toàn, thoải mái.
+ Ðối với mọi thành viên sau một ngày học tập, lao động mệt mỏi ở nhà trường,
cơ quan, xí nghiệp hay trên đồng ruộng, người ta sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn,
bồi dưỡng lại sức lực ở gia đình.
+ Tất cả những sự bất đồng, căng thẳng trong quan hệ ở nơi làm việc, ngoài xã
hội khi về dưới mái ấm gia đình, nhận được lời an ủi, động viên của người thân
làm cho họ bình tâm, yên tĩnh, dịu đi cơn bực dọc.
+ Những sở thích, nhu cầu cơ bản nhất như ăn, ở, mặc, nghỉ ngơi… được thỏa
mãn một cách triệt để nhất, riêng tư nhất cũng ở trong gia đình.
– Ðồng thời, gia đình còn là nơi đã ghi lại trong kí ức sâu thẳm những tình cảm
thiết tha, nồng nàn, thiêng liêng của đời người: qua cái ấm áp trong mùa đông
lạnh giá, cái mát mẻ giữa mùa hè oi bức, cái no đủ lúc mùa màng thất bát, cái
tươi tắn, khỏe mạnh trải qua cơn bệnh tật, ốm đau mà gia đình đã chung lòng,
chung sức chăm lo…
– “Tổ ấm gia đình” như một “bến đậu” từ đó ra đi xuôi ngược, rồi thuyền lại cập
bến, ru mình trên dòng sông xanh mát, hoặc tránh cả những cơn bão tố phong
ba. Về với gia đình những kỉ niệm vui buồn, đồng cam cộng khổ, vui sướng…
được gợi lên làm cho tình cảm ruột thịt, quê hương thêm sâu sắc, cuộc đời con
người thêm ý nghĩa.
Chính vì vậy, trong thực tiễn cuộc sống đã có biết bao nhiêu con người vì điều
kiện này hay điều kiện khác phải phưu cư, bạt quán, xa mái ấm gia đình hết gần
cả cuộc đời, nhưng khi có điều kiện vẫn bôn ba thực hiện nguyện ước về lại với
gia đình – nơi quê cha đất tổ, nơi chôn nhau, cắt rốn của tuổi ấu thơ.
5. Chức năng chăm sóc người già.
– Dân tộc ta vốn có truyền thống đạo lý tôn trọng người cao tuổi (trọng lão).
“Kính lão đắc thọ” hoặc “Kính già, già để tuổi cho”. Ðiều đó không chỉ biểu hiện
trong tư duy, tình cảm phản ánh qua thơ ca, tục ngữ… mà còn được ghi nhận
một cách rất chi tiết, cụ thể trong lệ làng, luật nước, trên tất cả các lĩnh vực kinh
tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Từ xa xưa, phương ngôn ta đã có câu:
“Triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ”
(Xỉ chữ Hán có nghĩa là răng, răng bền biểu hiện tuổi thọ)
Luật nước, lệ làng đối với việc “trọng lão” không những tùy thuộc vào từng thời
đại phong kiến, mà còn tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng
đồng được bảo tồn sâu sắc trong các hương ước, khoán ước làng xã. Có thể
cắt nghĩa lệ làng, luật nước chăm sóc, tôn trọng người cao tuổi với mấy lí do
sau:
+ Về sức mạnh tự nhiên: Nó biểu hiện ở trí tuệ và kinh nghiệm tích lũy được
của người già từ lao động để sinh tồn, phát triển nòi giống và chiến đấu để bảo
vệ Tổ quốc, giang sơn do cha ông để lại.
+ Về sức mạnh xã hội: Tiếng nói của người cao tuổi có sức mạnh lớn lao trên
thì đối với vua hiền, tôi thẳng phải kính nể, dưới thì đối với cộng đồng làng xóm
có ý nghĩa đoàn kết, cổ vũ, hòa giải, động viên.
– Ðối với gia đình, nuôi dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ già là thể hiện đạo hiếu
của con cháu trong gia đình,là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế
hệ đã vượt qua, đã chịu đựng biết bao vất vả, gian khổ, thiếu thốn để chắt chiu
ra những dòng sữa ngọt ngào, những miếng cơm, manh áo nuôi, dạy con cháu
trưởng thành và tạo lập nên cơ nghiệp gia đình, góp phần xây dựng đất nước
hôm nay.
– Theo quan niệm của Phật giáo thì cuộc sống của con người ai cũng phải trải
qua một vòng đời: sinh, bệnh, lão, tử. Ðến tuổi già lão, sức khỏe con người bị
giảm sút, các tế bào trong lục phủ, ngũ tạng bị lão hóa dẫn đến tình trạng chân
run, gối mỏi, nhiều bệnh tật phát sinh là quy luật tất nhiên không mấy ai được
ngoại lệ. Ðến lúc đó con cháu, gia đình phải bảo vệ, chăm sóc, phụng dưỡng là
đạo lí và quy luật tự nhiên ở đời như mọi người đã ý thức được là “Trẻ cậy cha,
già cậy con” không những để cho ông bà, cha mẹ già phấn chấn, thanh thản vui
cùng con cháu, xóm làng những ngày cuối đời trước lúc bước vào cõi vĩnh
hằng, mà còn nhằm tiếp thu một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy
được qua bao năm tháng:
“Ðã từng ăn bát cơm đầy
Ðã từng nhịn đói chín ngày không ăn”
– Bảo vệ, chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc tuổi già không những là đạo hiếu “đền
ơn đáp nghĩa” để cho các cụ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, mà phần khác để cho các
cụ có thời gian, điều kiện thuận lợi hơn chuyển giao lại cho con cháu những
kinh nghiệm quý báu đã được trải nghiệm suốt cả cuộc đời về nhiều mặt, trong
đó có việc đối nhân, xử thế, việc xây dựng, củng cố nề nếp, gia phong, gia giáo
trong gia đình, việc thiết lập trật tự, kỉ cương trong thôn xóm, cộng đồng… Ông
bà, cha mẹ già ở trong gia đình vẫn có vị trí, vai trò rất quan trọng:
+ Can thiệp, giải quyết các mối bất hòa có thể xảy ra giữa các con, các cháu để
bảo vệ các mối quan hệ chính đáng, tốt đẹp ở trong gia đình.
+ Ngăn chặn, phê phán mạnh mẽ những suy nghĩ, hành vi trái với đạo lí ở trong
gia đình và ngoài xã hội làm tổn hại đến danh dự, truyền thống gia phong, gia
giáo của dân tộc.
+ Nhắc nhở con cháu nhớ đến những ngày lễ tết, giỗ chạp đối với tổ tiên, ông
bà, nhằm thể hiện lòng thành kính nhớ đến cội nguồn “Ăn quả nhớ kẻ trồng
cây”.
+ Giúp con cái trông nom gia đình lúc chúng đi vắng. Tổ chức, sắp đặt công việc
vặt, tạo nên đời sống ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ trong gia đình.
+ Kèm cặp, nhắc nhở các cháu học hành, tắm giặt sạch sẽ, ăn uống, nghỉ ngơi
điều độ, giáo dục uốn nắn những sai trái trong ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ…
hướng các cháu hình thành, phát triển những yếu tố nhân cách cần thiết của
con người công dân chân chính tương lai theo yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
– Khó lòng mà tính hết được những việc làm vô tư, hết mình, có trách nhiệm
cao, không quản ngại ngày, đêm vất vả của ông bà, cha mẹ già đối với con
cháu trong gia đình, vì vậy trong dân gian ta đã có câu đánh giá sự giúp đỡ to
lớn của các cụ:
“Một mẹ già bằng ba trâu nái”
Hoặc
“Một mẹ già bằng ba người ở”
– Vì vậy, gia đình có ông bà, cha mẹ già – đại thọ là điều quý hiếm rất đáng tự
hào, trân trọng”.
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau”
Chuối ba hương, xôi nếp mật, đường mía lau trong xã hội nông nghiệp còn
nghèo khó xưa kia đó là những sản phẩm quý hiếm mà ai ai cũng thèm thuồng,
mơ ước. Mẹ già cũng vậy, ai cũng mong ước có mẹ già để bảo ban mình và
con cháu, cho nên là con cháu trong gia đình phải kính yêu, nuôi dưỡng chăm
sóc ông bà, cha mẹ bằng những biểu hiện cụ thể:
+ Cái ăn, cái mặc phải tương đối đầy đủ hợp với điều kiện, khả năng của gia
đình, cố gắng ưu tiên những nhu cầu cần thiết vì tuổi già.
+ Lúc ông bà, cha mẹ ốm đau phải hỏi han, thuốc thang, chăm sóc chu đáo,
thành tâm, để các cụ tránh khỏi mặc cảm “tuổi già là gánh nặng” cho con cháu
và tâm trạng cô đơn.
+ Phải thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo của mình trong hành vi ứng xử: nét
mặt vui tươi, xưng hô lễ phép, nói năng nhã nhặn. Dù trong trường hợp nào
cũng không được coi thường các cụ một cách thô lỗ.
Giáo Dục Gia Đình Việt Nam Với Lịch Sử Phát Triển Của Xã Hội
– Tìm hiểu, nghiên cứu vai trò, chức năng giáo dục của gia đình Việt Nam trong
các giai đoạn lịch sử khác nhau đối với việc hình thành và phát triển nhân cách
là một hướng tiếp cận khoa học hết sức quan trọng nhằm khai thác, kế thừa và
phát triển những yếu tố truyền thống tích cực của cha ông ta trước đây đối với
việc rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ hiện nay. Thế hệ đang sống trong thời đại
văn minh, tiên tiến nhất của nhân loại, đang đòi hỏi họ ngày càng cao về những
phẩm chất, năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
– Con người Việt Nam từ xưa đến nay có mối quan hệ chặt chẽ lưu thông giữa
cá nhân-gia đình, làng, nước trong quá trình phát triển của cá thể và cộng đồng.
Quan hệ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, đã được cha ông ta coi như là
một nguyên tắc logíc đối với sự phát triển và hoàn thành nhân cách. Tuy nhiên,
trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, vai trò và nội dung giáo dục gia đình
cũng có những đổi khác.
Giáo Dục Của Gia Đình Việt Nam Truyền Thống
– Xã hội Việt Nam truyền thống có sự tồn tại lâu dài của nền văn minh nông
nghiệp lúa nước-sự ổn định của tổ chức xã hội nông thôn và sản xuất theo hộ
gia đình mang tính chất tự cung, tự cấp là đặc điểm tồn tại lâu dài trong lịch sử
phát triển của đất nước.
+ Trong điều kiện đó hệ thống giáo dục của Nhà nước phong kiến chưa phát
triển.
+ Tổ chức văn hóa gia đình theo chế độ gia trưởng phụ quyền chịu ảnh hưởng
của hệ tư tưởng Nho giáo và Phật giáo: Gia đình giữ vai trò chủ yếu, cơ bản
trong việc hình thành nhân cách con người ở trong tất cả mọi tri thức, đạo đức
và nghề nghiệp. Tất nhiên trừ một số rất ít thuộc con em giai cấp thống trị, đặc
biệt lắm mới có con em nhân dân lao động đến trường học theo đòi bút nghiên
mong tiến thân bằng con đường hoan lộ, nhưng mấy ai thành đạt.
+ Giáo dục gia đình không ngoài việc hình thành và phát triển người công dân
hiền lành cần cù, chất phác sống trong phương thức sản xuất xã hội tự cung tự
cấp là chủ yếu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.
+ Tham gia vào giáo dục trẻ ngoài cha mẹ, còn có ông bà nội ngoại, cô dì, chú
bác ruột thịt sống gần gũi nhau trong một khu đất, một mảnh vườn và còn có cả
dân làng chòm xóm cũng có vai trò giám sát đứa trẻ, hỗ trợ cho gia đình.
+ Các yếu tố cơ bản, cốt lõi và thang giá trị của một nhân cách cũng không mấy
phức tạp và không có sự đảo lộn, biến động thường xuyên. Cho nên giáo dục
gia đình cũng không gặp những trở ngại gì lớn trong việc hình thành và phát
triển những yếu tố nhân cách cơ bản theo nội dung tam cương, ngũ thường,
ngũ luân mà nổi bật lên là:
“Trai thì trung, hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh là câu sửa mình”.
– Trong điều kiện lịch sử xã hội, không có những biến đổi cách mạng dữ dội về
phương thức sản xuất, cứ vậy tồn tại hàng vạn năm, gia đình đã giữ vai trò hết
sức quan trọng, vai trò chủ yếu trong việc hình thành và phát triển nhân cách
con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, với những truyền thống rất tốt đẹp
được giữ gìn truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác như tình gia tộc, nghĩa
đồng bào, lòng bao dung độ lượng, căm ghét tham lam, dối trá, dốc lòng bảo vệ
xây dựng quê hương, xóm thôn, đất nước…
Giáo Dục Gia Đình Và Nhân Cách Con Người Việt Nam Trong Thời Kỳ
Thuộc Pháp
– Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, chúng tìm cách vơ vét tài nguyên
của nước ta bằng việc khai thác các hầm mỏ than, đồng, sắt, thiếc, lập đồn
điền, mở mang đường sá giao thông, bến cảng, thúc đẩy sự buôn bán với nước
ngoài.
+ Nền kinh tế Việt Nam từ trạng thái tự cung, tự cấp, khép kín đã mở rộng ra
một nền kinh tế thị trường dù rất sơ khai.
+ Cơ cấu xã hội Việt Nam có sự chuyển đổi mới. Chữ quốc ngữ ra đời thay thế
cho chữ Hán và chữ Nôm.
+ Văn hoá Pháp cùng với những kiến thức khoa học kĩ thuật được truyền bá
rộng rãi.
+ Một bộ phận gia đình Việt Nam thuộc tầng lớp viên chức, tiểu tư sản, tư sản
dân tộc mới phát sinh chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đồng thời hệ
thống nhà trường do nhà nước tổ chức quản lí cũng ngày càng mở mang, đảm
nhiệm phần giáo dục tri thức, nghề nghiệp thay thế dần vai trò của gia đình.
– Song, bộ phận đông đảo nhất là gia đình nông dân Việt Nam, kể cả gia đình
của những thành phần giai cấp chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp thì vấn
đề giáo dục trong gia đình vẫn được quan tâm đến mặt đạo đức, nhân cách con
người theo các giá trị truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, trách
nhiệm đối với lợi ích của gia đình, gia tộc, cộng đồng “lá lành đùm lá rách”, tôn
trọng nhân nghĩa, độc lập, tự do mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, căm thù lũ bán
nước và cướp nước.
Giáo Dục Gia Đình Và Nhân Cách Con Người Việt Nam Trong 30 Năm
Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc Và Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã H
– Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là bước ngoặt lịch sử của sự
phát triển xã hội Việt Nam. Song, do âm mưu xâm lược của đế quốc Pháp và đế
quốc Mỹ, nhân dân ta đã trải qua 30 năm chiến tranh vô cùng tàn khốc, ác liệt,
đã phải chịu biết bao mất mát hi sinh. Nhưng nhân cách con người Việt Nam
vẫn sáng chói, rạng rỡ thể hiện bản chất nhân văn, chính nghĩa “không có gì quí
hơn độc lập tự do” của dân tộc, của Tổ quốc đã làm cho nhân loại tiến bộ khắp
bốn biển năm châu hết lòng khâm phục. Thắng lợi đó đã chứng minh cho sự kết
hợp thống nhất, chặt chẽ giữa mục tiêu giáo dục của gia đình với mục tiêu giáo
dục của xã hội, giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích tập thể.
+ Suốt trong 30 năm chiến tranh, gia đình vẫn là đơn vị kinh tế, xã hội cơ bản,
họ phải tự nuôi mình, lại còn phải cung cấp lương thực nuôi quân, nuôi cán bộ,
đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Phụ nữ vẫn phải lo sinh đẻ, nuôi
con, đào tạo thế hệ trẻ, chăm sóc người già, gánh vác mọi công việc ở hậu
phương…
+ Gia đình, giáo dục gia đình kết hợp thống nhất với giáo dục của xã hội đã hun
đúc, rèn luyện nên nhân cách người chiến sĩ cách mạng, anh bộ đội cụ Hồ, hi
sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, động viên lòng yêu nước của các
thành viên gia đình già, trẻ, trai, gái… Chuẩn mực, nhân cách tiêu biểu nhất của
Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của các giá trị truyền thống và những phẩm
chất cách mạng của người Việt Nam trong thời đại lịch sử mới.
· Vì lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.
· Anh hùng, bất khuất, vượt qua mọi gian khổ, thực hiện mục tiêu của sự nghiệp
cách mạng.
· Nhìn xa, trông rộng, ung dung, khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính.
· Nhân đạo, vì người thương người.
· Tôn trọng đạo đức, quý mến tài năng.
– Sau khi Nam Bắc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo xu hướng
bao cấp, dựa trên nền tảng công hữu toàn dân (toàn dân và tập thể).
+ Vai trò của gia đình là phối hợp với xã hội nhằm hình thành mẫu nhân cách
con người toàn tâm toàn ý phục vụ lợi ích chung của xã hội “mình vì mọi người,
mọi người vì mỗi người”, vẫn thuận chiều với yêu cầu cơ chế quản lí của xã hội.
+ Song chế độ bao cấp đã dẫn đến sự khủng hoảng nền kinh tế xã hội ngày
càng trầm trọng làm cho gia đình và cá nhân phải bó tay chịu thiếu thốn, nghèo
nàn về cả mặt vật chất và tinh thần.
– Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra đường lối cách mạng đổi
mới toàn diện, nhằm xây dựng đất nước theo định hướng XHCN với nền kinh tế
nhiều thành phần, có sự điều tiết của Nhà nước để làm cho dân giàu, nước
mạnh, gia đình và cá nhân phát huy hết khả năng độc lập, sáng tạo; nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân, góp phần phồn vinh thịnh vượng
cho đất nước
Gia Đình Và Nghĩa Vụ Giáo Dục Người Công Dân Chân Chính
Trong Thời Đại Hiện Nay
1. Gia đình và giáo dục gia đình trong sự nghiệp đổi mới của đất
nước hiện nay.
– Kể từ năm 1986 đến nay, với chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển nền
kinh tế từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế theo cơ chế thị trường, chấp nhận
sự cạnh tranh, chấp nhận sự phân hóa giàu nghèo đã làm cho đất nước nói
chung, gia đình nói riêng có những biến đổi mạnh mẽ:
+ Cấu trúc gia đình ít nhân khẩu, ít thế hệ (gia đình hạt nhân) ngày càng phổ
biến, tuổi thọ của người già ngày càng tăng ở trong gia đình, tính đa dạng,
nhiều chiều của cá nhân trong gia đình cũng hết sức phong phú.
+ Rất ít gia đình có sự đồng nhất về nghề nghiệp. Kể cả ở nông thôn cũng
không còn mấy gia đình thuần túy chỉ một nghề nông nghiệp.
+ Tính phong phú, cơ động về nghề nghiệp trong gia đình theo sự điều tiết của
cơ chế thị trường đã tạo nên sự gia tăng và thu nhập chênh lệch khác nhau, độc
lập với nhau của các thành viên trong gia đình.
– Nền kinh tế theo cơ chế thị trường rõ ràng đã tạo điều kiện cho lực lượng sản
xuất phát triển, sản phẩm xã hội ngày càng nhiều, cơ sở vật chất hạ tầng được
củng cố, lớn mạnh nhanh chóng, các mặt văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ
thuật… được mở rộng và nâng cao. Song do quy luật cạnh tranh của nhiều
thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường đã làm cho vị trí, sức mạnh của đồng
tiền “là tiên là phật” chi phối hầu hết các hoạt động trong đời sống làm nảy sinh,
phát triển nhanh chóng nhiều tệ nạn xã hội đến mức trầm trọng, đáng lo ngại,
báo hiệu một sự xuống cấp về đạo đức, đặc biệt là đối với thế hệ thanh thiếu
niên.
+ Một bộ phận thanh thiếu niên đã có mặt trong các tệ nạn nguy hiểm: trộm cắp,
cờ bạc, mại dâm, giết người, nghiện ma túy… có nguy cơ lan nhanh vào cả nhà
trường.
+ Nhưng, suy cho cùng, ai đó dù ở lứa tuổi còn niên thiếu, hay đã trưởng thành
lỡ sa chân vào vũng lầy của tệ nạn xã hội, đánh mất những phẩm chất đạo đức
vốn có của con người đều phải bước qua ngưỡng cửa của gia đình.
– Vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, gia đình và trước hết là gia
đình phải trực tiếp gánh chịu kết quả tốt đẹp hay hư hỏng về sự hình thành và
phát triển nhân cách của con cái mình.
2. Những khó khăn cơ bản đối với vấn đề giáo dục gia đình hiện nay.
Một điều cần thừa nhận là nền kinh tế theo cơ chế thị trường đã cởi trói cho gia
đình và xã hội tự do cạnh tranh phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập toàn
dân, cải thiện một bước với đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người. Song,
nó cũng bộc lộ ra những mặt tiêu cực đến quá trình hình thành và phát triển
nhân cách con người theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết là đối với vấn
đề giáo dục gia đình.
2.1. Trong nhiều gia đình, chức năng kinh tế đã cuốn hút quá nhiều công sức
của đôi vợ chồng, có khi cả con cái, ông bà già vào việc sản xuất kinh doanh,
ảnh hưởng đến việc chăm sóc các thành viên trong gia đình về mặt tâm lý tình
cảm, cũng như việc học tập, giáo dục của trẻ. Nhiều gia đình đã sống trong bầu
không khí nặng nề khi làm ăn thua lỗ, nợ nần, phá sản, thậm chí phải tan vỡ.
2.2. Môi trường xã hội bao quanh gia đình và nhà trường bị ô nhiễm trầm trọng
trên nhiều bình diện: Các luồng văn hóa dâm ô, kích dục, bạo lực… từ nước
ngoài đã len lỏi vào trong nhiều tầng lớp dân cư ở thành phố và nông thôn. Các
tệ nạn xã hội như tham nhũng, mại dâm, tham lam quyền lực v.v… từ quan
điểm, hành vi sùng bái “đồng tiền là tiên là phật” đã làm đảo lộn nhiều giá trị
nhân văn vốn có từ xưa trong nếp sống gia đình.
2.3. Điều kiện kinh tế vật chất của đại bộ phận gia đình ở nông thôn và thành thị
không theo kịp gia tốc phát triển của xã hội đã tạo ra mâu thuẫn thường xuyên
giữa sự tăng tốc về mọi mặt mang tính xã hội và khả năng thích ứng có hạn của
từng gia đình, từng cá nhân.
2.4. Trình độ học vấn, kiến thức nghề nghiệp và nhiều mặt khác của đa số các
bậc cha mẹ không còn đáp ứng được cho con cái theo yêu cầu của việc giáo
dục con người của xã hội mới. Gia đình đó phải chuyển giao một số chức năng
vốn dĩ trước kia có thể tiến hành trong gia đình thì hiện nay phải nhờ đến các cơ
quan xã hội. Do đó, gia đình không có điều kiện thường xuyên theo dõi, giám
sát, giúp đỡ các em.
2.5. Nền văn minh công nghiệp nói chung, nền kinh tế theo cơ chế thị trường
nói riêng đã tác động mạnh mẽ làm cho tốc độ phát triển tâm sinh lý của trẻ rất
nhanh, có khi đột biến, bất thường trong khi đó quan niệm, nội dung, phương
pháp giáo dục của các bậc cha mẹ chưa thay đổi, hoặc là thay đổi chưa phù
hợp, thậm chí có thể hoàn toàn trái ngược với các tình huống giáo dục, có khi
đã gây nên xung đột, dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong gia đình.
2.6. Sự mất ổn định trong đời sống gia đình như li hôn, có cha mẹ, người thân
nghiện hút, cờ bạc, tiền án, tiền sự, hoặc thiếu gương mẫu của cha mẹ trong
làm ăn, sinh sống như buôn gian, bán lận, lừa đảo… cũng đã tác động tiêu cực
rất mạnh mẽ đến con cái làm cho chúng chán nản, thất vọng phải rời bỏ môi
trường gia đình.
2.7. Một số gia đình đang có điều kiện kinh tế đầy đủ, khá giả, nhưng họ thiếu
quan tâm đến trách nhiệm giáo dục, phó mặc cho nhà trường, thả lỏng cho các
em tự phát triển trong môi trường xã hội bao quanh, đường phố, bạn bè và các
phương tiện thông tin đại chúng. Cha mẹ chỉ chú ý cho con ăn ngon, mặc đẹp,
giải trí, thỏa mãn nhu cầu, yêu sách của chúng.
2.8. Tình trạng thiếu việc làm hiện nay ở nông thôn và sự chênh lệch đời sống
giữa nông thôn và thành thị cũng làm cho một số thanh thiếu niên con gia đình
nghèo bỏ gia đình ở nông thôn ra thành thị kiếm sống trở thành trẻ em lang
thang mà gia đình không thể quản lý được.
3. Mục tiêu và nghĩa vụ giáo dục gia đình hiện nay.
Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đòi hỏi sự
nghiệp giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục gia đình cung cấp cho xã hội
những nhà hoạt động chính trị sáng suốt, nhạy cảm, hết lòng vì đất nước, nhân
dân; những nhà doanh nghiệp và quản lý giỏi; những nhà khoa học có tư duy
sắc bén, sáng tạo; những nghệ sĩ văn hóa tài ba; những người lao động có tay
nghề cao. Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TW Đảng tháng 4 -1993 đã khẳng
định lại một lần nữa “Những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố
con người – chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa,
mọi nền văn minh của các quốc gia… Hướng bồi dưỡng và phát huy nhân tố
con người Việt Nam và không ngừng gia tăng tính tự giác, năng động, tự chủ,
phát huy sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân, kết hợp với sức mạnh của cả
cộng đồng-con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong
phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức là động lực của sự nghiệp xây dựng xã
hội mới, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”.
– Về mục tiêu giáo dục gia đình, qua kết quả khảo sát đối với các gia đình ở một
số địa phương thuộc nội, ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh khác được thể hiện
cụ thể như sau:
+ Ở phần đông gia đình công nhân, nông dân là tạo cho con một nghề (không
nhất thiết là nghề truyền thống của gia đình) có thu nhập ổn định để đảm bảo
cho cuộc sống lâu dài về sau.
+ Các gia đình trí thức, viên chức thường lo lắng hơn, chú ý hơn cho con cái có
trình độ học vấn cao, nghề nghiệp kĩ thuật với thu nhập cao, có địa vị xã hội
tương đối.
Mặc dù sống trong điều kiện của cơ chế thị trường phải cạnh tranh để tồn tại và
phát triển, nhưng hầu hết các loại gia đình đều mong muốn giáo dục con sống
lương thiện, làm giàu một cách chính đáng, xây dựng mái ấm gia đình, ăn ở hòa
thuận với bà con, họ hàng, làng xóm.
– Về định hướng chung của việc giáo dục con cái, kết quả khảo sát cho thấy:
+ Giá trị đạo đức tập trung vào hiếu thảo đối với gia đình (chiếm 93%) được đặt
vào vị trí cao nhất.
+ Nghề nghiệp chuyên môn ổn định, đủ ăn tiêu (chiếm 73%).
+ Có trình độ học vấn cao, thu nhập cao (58%).
+ Hai giá trị xếp ở vị trí thấp là có nhiều tiền, có địa vị xã hội (chiếm 27%).
– Về nội dung giáo dục trong gia đình.
+ Nội dung giáo dục gia đình hướng vào giáo dục đạo đức là số 1: 95%, giáo
dục nghề nghiệp: 68%; giáo dục học vấn cao: 31%.
+ Ngoài nội dung giáo dục đạo đức, đại bộ phận các thành phần gia đình đều
quan tâm, lo lắng giáo dục nghề nghiệp, tạo cho con cái có công ăn việc làm,
không phải sa vào con đường thất nghiệp dẫn đến các tệ nạn xã hội.
+ Còn trình độ học vấn cao vẫn là điều tốt, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh, khả
năng của số đông gia đình không đáp ứng được cho con cái, mặt khác thực tế
cho thấy rằng không phải có trình độ học vấn, văn hóa cao là có công ăn việc
làm, là có thu nhập cao, là làm giàu được. Nó là điều kiện quan trọng nhưng
không phải tiên quyết.
Như vậy mục tiêu và nghĩa vụ giáo dục của gia đình là hướng tới con người có
đạo đức, có nghề nghiệp, biết làm kinh tế dựa trên một trình độ học vấn nhất
định.
– Quan niệm về gia đình hạnh phúc. Tìm hiểu quan niệm thế nào là một gia đình
hạnh phúc cũng rất quan trọng, vì trên cơ sở đó mà các bậc cha mẹ định hướng
giáo dục cho con cái. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy:
+ Nhóm chỉ báo đứng thứ nhất là vợ chồng hòa thuận yêu thương nhau: 92%.
+ Nhóm chỉ báo đứng thứ hai là con cái ngoan ngoãn, vâng lời: 83%, học tập
giỏi hoặc có thể trung bình. Nhà nào con cái ngoan ngoãn, vâng lời là điều sung
sướng, tự hào; nhà nào con cái hư hỏng thì gia đình coi đó là nỗi bất hạnh lớn.
+ Nhóm chỉ báo kinh tế đứng thứ ba: 85% cho rằng một gia đình hạnh phúc tức
là vợ chồng có công ăn việc làm, đời sống ổn định đủ ăn, đủ tiêu. Sự giàu có
không phải là yếu tố cơ bản quyết định hạnh phúc gia đình, trong nhiều trường
hợp có thể là nguyên nhân của những bi kịch trong gia đình.
– Chúng ta cũng thấy rằng, gia đình hiện nay đang nằm trong sự vận hành của
nền kinh tế theo cơ chế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng đối cực.
Nền kinh tế theo cơ chế thị trường đòi hỏi con người phải năng động, tháo vát
để tồn tại và phát triển. Vì vậy, trong thực tế đời sống hiện nay đã xuất hiện một
lớp người đặc biệt là gia đình trẻ mong muốn làm giàu, có thu nhập cao nhằm
thỏa mãn hoàn toàn đời sống vật chất và tinh thần cho cá nhân và gia đình. Họ
chủ động đi vào làm ăn, tranh thủ mọi thời cơ, học hỏi kinh nghiệm v.v… không
rập khuôn sáo cũ, cạnh tranh quyết liệt, đương đầu với mọi thách đố, quyết tâm
đạt mục đích làm giàu. Đây là hiện tượng tích cực góp phần làm cho gia đình
thịnh vượng, đất nước giàu mạnh. Song, cũng chính trong những gia đình này
đã nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực khi quá tôn sùng giá trị đồng tiền đã ảnh
hưởng đến kết quả giáo dục con em họ.
– Rõ ràng, giáo dục gia đình đang đứng trước những thách đố mới: một mặt,
cần phải giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong nhân cách truyền thống;
mặt khác cần phải biết tiếp nhận, thích ứng với yêu cầu phát triển khách quan
của xã hội mới vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Vì vậy, hiện nay
nhiều bậc cha mẹ đang lúng túng trong nội dung, phương pháp giáo dục đối với
các lứa tuổi khác nhau trong gia đình.
Hiểu được sự biến đổi của gia đình Việt Nam, vai trò của nó trong sự hình thành
nhân cách con người, bước thăng trầm của nó qua 2 thế kỷ tồn tại và phát triển
của đất nước và dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng, hết sức cần thiết bởi
vì quá khứ, hiện tại và tương lai có mối quan hệ biện chứng không tách rời
nhau.
Vai trò của gia đình trong chức năng xã hội hóa nhân cách con người Việt Nam
nói chung, giáo dục trẻ trong gia đình nói riêng hiện nay là sự kế thừa, phát triển
những giá trị truyền thống tốt đẹp và chọn lọc tiếp nhận những giá trị tư tưởng
tiên tiến, hiện đại của nền văn minh hậu công nghiệp. Nhận thức đầy đủ, sâu
sắc sự kết hợp hài hòa đó để thực hiện mục tiêu và nghĩa vụ giáo dục gia đình
trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách người công dân chân chính là
điều có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các bậc cha mẹ, đối với chức năng
giáo dục gia đình trong thời đại hiện nay
Câu Hỏi Hướng Dẫn Học Tập
Câu 1. Phân tích một số định nghĩa về gia đình. Tìm những dấu hiệu chung nhất
cho một khái niệm gia đình tương đối hoàn chỉnh theo quan niệm của anh, chị.
Câu 2. Phân tích các chức năng cơ bản của gia đình. Vai trò và ý nghĩa của các
chức năng đó trong xã hội hiện nay.
Câu 3. Gia đình Việt Nam đã trải qua những giai đoạn lịch sử nào? đặc trưng
của vấn đề giáo dục gia đình trong từng giai đoạn. Chỉ ra những giá trị giáo dục
truyền thống cần phải duy trì phát triển.
Câu 4. Những khó khăn cơ bản đối với vấn đề giáo dục gia đình hiện nay? Từ
những vấn đề trên đặt ra cho các bậc cha mẹ cần nhận thức được điều gì trong
giáo dục gia đình?
Chương II: Giáo Dục Trong Gia đình
Về Những Điều Kiện Cần Thiết Cho Giáo Dục Trong Gia Đình
Khi đề cập đến các điều kiện cần thiết cho sự giáo dục đúng đắn, thuận tiện
trong gia đình, các nhà nghiên cứu đã nêu ra những ý kiến khác nhau không
thống nhất với nhau về số lượng, nhưng trùng hợp với nhau về một số điều kiện
cơ bản. Chẳng hạn, theo kết quả nghiên cứu của giáo viên và sinh viên trường
Đại học sư phạm mang tên A.A. Culesốp ở thành phố Môghilốp (Liên Xô cũ) thì
phải có mặt 25 yếu tố trong gia đình thì đó mới là điều kiện lý tưởng thuận lợi
cho giáo dục gia đình. Đó là các yếu tố: thu nhập gia đình đầy đủ, quan hệ giữa
cha mẹ thủy chung, cha mẹ có trình độ văn hoá đạt yêu cầu, gia đình có không
khí yêu thích quý trọng lao động, v.v…
– Trong thực tế, rất hiếm hoi những gia đình hội đủ các yếu tố cơ bản, nếu có
đầy đủ các yếu tố cơ bản cũng chỉ là điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục trẻ ở
trong gia đình chứ không phải là điều kiện tiên quyết cho một sự phát triển nhân
cách hoàn hảo của trẻ. Bởi vì:
+ Giáo dục gia đình là một hoạt động vô cùng tinh tế, là sự hội tụ của toàn bộ
sức mạnh truyền cảm, đồng cảm giữa cha mẹ và con cái. Kết quả giáo dục trẻ ở
trong gia đình không phụ thuộc nhiều vào các điều kiện vật chất kinh tế, mà có
khi chịu ảnh hưởng sâu sắc của những yếu tố tình cảm tinh thần khác.
+ Lịch sử phát triển gia đình qua các thời đại khác nhau đã cho thấy rằng, biết
bao nhiêu vĩ nhân lỗi lạc, anh hùng xuất chúng đã xuất thân trong những gia
đình nghèo đói, thiếu thốn mọi điều kiện kể cả cơm ăn, áo mặc. Ngược lại,
nhiều gia đình giàu có “tiền dư gạo mục” giáo dục con cái trong gia đình lại gặp
những thất bại đắng cay.
– Vì vậy, giáo dục gia đình là một khoa học mang ý nghĩa thời sự, luôn luôn nảy
sinh nhiều điều mới mẻ, lý thú đòi hỏi phải nghiên cứu, lý giải như nhiều nhà
khoa học đã nêu lên:
+ Theo nhà giáo dục lỗi lạc A.X. Macarenkô thì “Giáo dục là một quá trình xã hội
theo ý nghĩa rộng rãi nhất. Tất cả đều tham gia vào giáo dục: con người, đồ vật,
hiện tượng. Nhưng trước tiên và quan trọng hơn cả là con người và trong số đó
vị trí hàng đầu là cha mẹ và các nhà sư phạm”.
+ Nhà giáo – anh hùng Liên Xô cũ V.A. Xukhômlinxki cũng khẳng định “Con
người trong sự phát triển về đạo đức của mình sẽ trở nên giống như người mẹ,
hay nói đúng hơn giống như sự hài hoà giữa tình yêu và ý chí trong thế giới tinh
thần của người mẹ”.
+ Hoặc theo P.E. Becgônxki thì kết luận: “Tội lỗi và công lao của trẻ phần lớn
thuộc về trí tuệ và lương tâm của cha mẹ chúng”, hoặc “Đức tính chín chắn của
người cha là sự răn dạy có tác dụng nhất đối với đứa trẻ”(*).
– Rõ ràng đời sống kinh tế vật chất, tiện nghi sử dụng là yếu tố quan trọng,
nhưng không phải là điều kiện tiên quyết, duy nhất cho kết quả giáo dục trẻ
trong gia đình.
Những Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Giáo Dục Gia Đình
1. Xây dựng không khí gia đình êm ấm được coi là một nguyên tắc quan
trọng trong giáo dục gia đình.
– Không khí gia đình là những nét đặc trưng bao trùm lên đời sống của mọi
thành viên tạo nên ảnh hưởng tích cực (thuận lợi) hay tiêu cực (khó khăn) trong
quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mọi cá nhân trong gia đình.
– Không khí gia đình dù có ý nghĩa rộng hơn tâm lý gia đình nhưng nó cũng
phản ánh chủ yếu lên toàn bộ những sắc thái tâm lý, tình cảm, đạo đức, hành
động, xu hướng… chung của mọi thành viên trong gia đình. Vì vậy, người ta
thường nhận xét rằng: gia đình ông A có không khí rất hoà thuận; gia đình bà B
sống trong không khí gia đình lục đục; gia đình anh C có không khí lao động rất
sôi nổi, v.v…
– Bầu không khí gia đình thường có những đặc điểm sau:
+ Không khí gia đình thường dễ dàng cải thiện, thay đổi cùng với sự thay đổi
các sự kiện lớn xảy ra trong gia đình hoặc là những biến đổi lớn của xã hội tác
động vào.
+ Không khí gia đình thường được hình thành và phát triển tuỳ thuộc phần lớn
vào quan hệ, uy tín của cha mẹ trong gia đình.
+ Không khí gia đình được duy trì và củng cố còn phụ thuộc nhiều vào những
truyền thống, nếp sống trong gia đình như truyền thống nghề nghiệp, truyền
thống yêu thương đoàn kết.
+ Không khí gia đình thường tạo nên tâm thế, nhu cầu, hoạt động của các thành
viên trong gia đình. Không khí gia đình hoà thuận thì mọi thành viên phấn chấn,
vui vẻ, tin tưởng, yêu thương quý mến lẫn nhau, thống nhất với nhau trong mọi
hoạt động theo khả năng, sức lực của mình… tạo nên chiều hướng thuận tiện
cho quá trình phát triển nhân cách. Không khí gia đình lục đục thì cuộc sống mỗi
thành viên sẽ cảm thấy nặng nề, buồn chán, không gắn kết thiết tha tương trợ
được cho nhau trong quá trình hoạt động, học tập, rèn luyện cá nhân.
2. Cần phải tôn trong nhân cách của trẻ.
– Con cái chưa đến tuổi trưởng thành phải sống phụ thuộc vào cha mẹ là lẽ
đương nhiên. Nhưng không vì vậy mà cha mẹ lại áp dụng cái quyền “đặt đâu
ngồi đấy” tước bỏ những quyền lợi chính đáng của trẻ.
– Các bậc cha mẹ phải thường xuyên quan tâm rằng trẻ em cũng có “quyền trẻ
em”.
+ “Quyền trẻ em” giống như người lớn được ăn mặc, học tập, lao động, vui chơi
giải trí, phát biểu ý kiến nguyện vọng của mình, thậm chí có những quyền nhiều
hơn người lớn như vận động, vui chơi do nhu cầu phát triển cơ thể sinh lý và
tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên trong xã hội hiện đại – xã hội của nền văn minh
công nghiệp tin học đã làm nảy sinh nhiều nhu cầu, hứng thú hoạt động của trẻ
mà trước đây ở tuổi cha, anh chưa thể có.
+ “Quyền trẻ em” không những ngày càng phát triển phong phú, đa dạng theo
sự trưởng thành của lứa tuổi mà còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của xã hội.
– Song, trẻ em là thế hệ đang sống phụ thuộc vào thế hệ người lớn, cho nên
quyền “trẻ em” là bị phụ thuộc hoàn toàn vào các khuôn khổ lớn, bé, rộng, hẹp
do cha mẹ qui định mỗi người một cách khác nhau, thậm chí có lúc người ta
không quan tâm thực hiện “quyền trẻ em” thể hiện ở các phương pháp giáo dục
cưỡng bức, áp đặt, thóa mạ, mắng mỏ, thậm chí cả đánh đập,… chèn ép, thủ
tiêu những nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của chúng, tạo ra không ít những
tình huống gay cấn trong giáo dục gia đình.
3. Nghiêm khắc và khoan dung độ lượng.
– Giúp đỡ con cái trưởng thành về mặt tri thức khoa học,cha mẹ có thể đóng
góp được nhiều hay ít là tùy thuộc vào trình độ, năng lực của mình, phần còn lại
là dựa vào hệ thống trường học có những thầy cô giáo chuyên ngành. Nhưng
đối với việc giáo dục đạo đức thì cha mẹ giữ vai trò chủ yếu không ai có thể
thay thế được.
+ Nói đến đạo đức là nói đến tình cảm giữa con người với con người, trước hết
là tình cảm giữa con cái và cha mẹ, giữa những người ruột thịt trong gia đình,
sau đó mở rộng ra với cộng đồng, dân tộc thể hiện ngay trong hành vi, thói
quen, nếp sống, ý thức thực hiện, tôn trọng các qui tắc, chuẩn mực của xã hội.
+ Nề nếp, thói quen kỷ luật đầu tiên mà con người được tiếp xúc và chấp nhận
phải bắt nguồn từ trong nôi gia đình. Nhiều bậc vĩ nhân, anh hùng trên thế giới
đã khẳng định vai trò vô cùng to lớn của giáo dục gia đình, đặc biệt đối với
Xin chân thành cảm ơn ! Long Xuyên, tháng 12 năm 2005T h. s Phạm Thị Thu HồngBộ môn Mác-Lênin trường ĐHAGChương I : Gia Đình Tế Bào Của Xã HộiGia Đình Trong Lịch Sử Phát Triển Xã Hội1. Các hình thức tăng trưởng của gia đình. – Gia đình là tổ chức triển khai cơ sở tiên phong so với đời sống của mỗi cá thể, là tế bàohợp thành đời sống xã hội. + Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người, ra sức lao động thìxã hội không hề sống sót và tăng trưởng được. + Lịch sử quả đât đã chứng tỏ rằng, từ khi xã hội còn dã man, lỗi thời, trảiqua biết bao thời kỳ cho đến thời đại văn minh, mỗi cá thể đều được sinh ra, trưởng thành cho đến khi từ biệt cõi đời đều gắn bó với gia đình. – Cá nhân, gia đình và xã hội có mối quan hệ biện chứng thống nhất, gắn bóchặt chẽ với nhau, ngay từ rất lâu rồi đã được nhiều học giả chăm sóc nghiên cứutừ trên những bình diện hoạt động giải trí kinh tế tài chính, chính trị, văn hóa truyền thống, giáo dục v.v … + Ðặc biệt điển hình nổi bật trong học thuyết Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ củaNho giáo. + Hồ quản trị cũng liên tục quan tâm đến mối quan hệ khăng khít, hữu cơ, thống nhất giữa gia đình và xã hội nên đã khẳng định chắc chắn rằng : “ Rất chăm sóc đếngia đình là đúng, … vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xãhội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Muốn thiết kế xây dựng chủ nghĩa xã hội tốt đẹp thì phải quan tâm hạt nhân gia đình chotốt ” ( * ). – Từ lịch sử dân tộc thời xưa của loài người, những hình thức tăng trưởng của gia đình đã cónhiều đổi khác. Theo khu công trình nghiên cứu và điều tra của những nhà khoa học và những tác giảkinh điển thì loài người đã trải qua ba hình thức gia đình : + Thời đại mông muội cách đây hàng triệu năm, con người sống chính sách quầnhôn, quan hệ tính giao bừa bãi. + Thời đại dã man, từ 4 vạn đến 6 vạn năm trước Công nguyên hình thành giađình “ đối ngẫu ”. Ðến tuổi trưởng thành, mỗi người có chồng chính hay vợ chính, người vợ không được quan hệ tính giao bừa bãi với người khác. Thời kỳ nàymối quan hệ vợ chồng rất lỏng lẻo, thuận tiện bỏ nhau. + Thời đại văn minh, 400 năm trước Công nguyên hình thành và tăng trưởng giađình một vợ, một chồng là hình thức cao nhất cho đến nay. 2. Gia đình là gì ? Hiện nay có rất nhiều khái niệm về gia đình, mỗi khái niệm đều nhằm mục đích mục đíchkhái quát đến những yếu tố cơ bản, đặc trưng, nhưng chưa có một khái niệm nàothật tuyệt đối và ngắn gọn nhất. Có 1 số ít khái niệm cơ bản sau đây : 2.1. Gia đình là tập hợp những người cùng chung sống thành một đơn vị chức năng nhỏnhất trong xã hội, họ gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân gia đình và dòng máu ( thường gồm vợ chồng, cha mẹ và con cháu ) ( ). 2.2. Gia đình là nhóm người chung sống với nhau dưới một mái nhà, có quanhệ hôn nhân gia đình, huyết thống và nền kinh tế tài chính chung ( 2 ). 2.3. Theo Levi Strauss thì gia đình là một nhóm xã hội được lao lý bởi ba đặcđiểm điển hình nổi bật là : bắt nguồn từ hôn nhân gia đình, gồm có vợ chồng, con cháu phát sinh từsự hôn phối của đôi nam nữ ; tuy nhiên trong gia đình xuất hiện của những ngườihọ hàng, bà con hoặc con nuôi. Họ gắn bó với nhau bởi những nghĩa vụ và trách nhiệm và quyềnlợi có đặc thù kinh tế tài chính và về sự không cho tình dục giữa những thành viên ( 3 ). 2.4. Theo nhà xã hội học Nga T.A. Phanaxeva thì có ba loại ý niệm về kháiniệm gia đình là : – Loại ý niệm thứ nhất : Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội có link với nhaubằng chỗ ở, bằng một ngân sách chung và những mối quan hệ ruột thịt. – Loại ý niệm thứ hai : Gia đình là một nhóm nhỏ có quan hệ gắn bó giúp đỡlẫn nhau bằng tình cảm và nghĩa vụ và trách nhiệm. – Loại ý niệm thứ ba : Gia đình tân tiến là một nhóm xã hội gồm có cha mẹvà con cháu của một vài thế hệ, những thành viên trong gia đình có mối quan hệràng buộc về vật chất, ý thức theo những nguyên tắc, mục tiêu sống nhưnhau về những yếu tố đa phần trong hoạt động và sinh hoạt. Như vậy, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình từ trên những bình diệnkhác nhau điều tra và nghiên cứu về gia đình. Ví dụ : – Tâm lý học điều tra và nghiên cứu quy trình hình thành tăng trưởng nhân cách cá nhântrong gia đình. – Dân số học nghiên cứu và điều tra vai trò và cơ cấu tổ chức gia đình trong tái sản xuất ra dân số, nhân khẩu, quy mô gia đình v.v … – Kinh tế học nghiên cứu và điều tra gia đình với tư cách là một đơn vị chức năng kinh tế tài chính, đơn vị chức năng tiêudùng. Vì vậy, khi bàn về khái niệm gia đình, văn bản của Liên hiệp quốc có quan tâm rằng : Gia đình là một thể chế có tính toàn thế giới ( Institution Universelle ) nhưng lại cónhững hình thức, vai trò khác nhau biến hóa từ nền văn minh này sang nền vănminh khác, dân tộc bản địa này so với dân tộc bản địa kia. Do đó, không hề đưa ra một địnhnghĩa chung hoàn toàn có thể vận dụng cho toàn thế giới. 3. Những đặc trưng cơ bản của gia đình. Mặc dù đã sống sót những định nghĩa khác nhau về gia đình và hình thái gia đìnhcũng có những đổi khác nhất định trải qua những nền văn minh của trái đất, nhưng nó vẫn có những nét đặc trưng cơ bản là : 3.1. Gia đình là tổ chức triển khai cơ bản, gắn bó nhất của mỗi cá thể. Mọi người đềuphải sinh ra từ trong một gia đình, chịu ảnh hưởng tác động thâm thúy của gia đình bởi sựchăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ từ lúc còn là thai nhi cho đến khi trưởng thành vàcả quãng đời về sau. 3.2. Gia đình là nhóm xã hội có những giới tính ( nam, nữ ) hình thành và phát triểntừ hôn nhân gia đình tái sản xuất ra con người, tạo nên quan hệ ruột thịt, huyết thống. Ðây là nét đặc trưng cơ bản nhất của gia đình. 3.3. Các thành viên trong gia đình hoàn toàn có thể thuộc nhiều thế hệ được gắn bó vớinhau không chỉ vì quan hệ ruột thịt, huyết thống, mà còn có con nuôi ảnh hưởngtrực tiếp lẫn nhau về nếp sống hoạt động và sinh hoạt, phong tục, tập quán truyền thống cuội nguồn … tạo nên truyền thống văn hóa truyền thống của gia đình. 3.4. Ðời sống gia đình được sống sót và tăng trưởng thường nhờ vào một ngân sáchchung do năng lực lao động của những thành viên góp phần : kết nối với nhaubằng tình cảm, nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng nhất bởi quan hệ huyết thống. 3.5. Gia đình thường là những thành viên sống chung với nhau dưới một máinhà, kể cả những lúc xa vắng, họ vẫn có mối quan hệ khăng khít với chỗ ở, tổấm chung đó. Gia Đình Trong Sự Phát Triển Xã Hội Hiện NayAi cũng biết rằng nhiều gia đình mới hợp thành xã hội, gia đình – tế bào của xãhội. Điều này chỉ ra rằng giữa gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết vớinhau : – Trình độ văn minh xã hội của mỗi thời đại ảnh hưởng tác động lớn đến đời sống, cơcấu, công dụng, những quan hệ nội bộ gia đình. – Đồng thời sự thay đổi, tăng trưởng về những mặt kinh tế tài chính, chính trị, văn hóa truyền thống, giáodục v.v … của xã hội trong những quy trình tiến độ lịch sử vẻ vang khác nhau cũng ảnh hưởng tác động mạnhmẽ, tác động ảnh hưởng thâm thúy đến khuynh hướng tăng trưởng của gia đình về mọi mặt. + Xã hội Nước Ta truyền thống cuội nguồn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vớinền sản xuất tự cung tự túc tự cấp dẫn đến gia đình đông nhân khẩu, đông lực lượngsản xuất nhưng vẫn không đủ ăn, thậm chí còn nhiều gia đình không hề chăm nom, nuôi nấng được người già, trẻ nhỏ. Chính thế cho nên mà đời sống xã hội về mọi mặt, trước hết là việc kiến thiết xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất rất nghèo nàn. Tiếp đến cácđiều kiện tăng trưởng văn hóa truyền thống, giáo dục, khoa học kĩ thuật v.v … cũng lâm vào tìnhtrạng ngưng trệ, yếu kém … + Bước sang nền văn minh công nghiệp, khoa học, kỹ thuật tăng trưởng, năngsuất lao động của con người tăng lên không ngừng, mẫu sản phẩm xã hội dồi dào, phong phú và đa dạng nên chất lượng đời sống của gia đình cũng được nâng cao hơn, cấu trúc gia đình cũng ít nhân khẩu hơn. Như vậy, khi kinh tế tài chính – xã hội phát triểnkhoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến, … khuynh hướng gia đình được nâng cao đờisống vật chất, niềm tin, gia đình niềm hạnh phúc, quốc gia phồn vinh, thịnh vượng. – Tuy nhiên, sự đổi khác giữa gia đình và xã hội không phải khi nào cũng theoquy luật thống nhất, giống hệt mà có tính độc lập tương đối của nó. + Gia đình là một nhóm tâm lí tình cảm xã hội đặc trưng, được thiết kế xây dựng trên cơsở hôn nhân gia đình, tạo nên quan hệ máu mủ, ruột thịt và quan hệ tình cảm, tráchnhiệm thiêng liêng đã gắn bó những thành viên với nhau bằng sợi dây liên hệthường xuyên, vĩnh viễn, suốt đời. Họ chăm sóc đến nhau, hi sinh cho nhau khôngquản thiệt hơn, dù có khi bị xa cách, bị chia tay, dù xã hội có những biến thiênlịch sử, những đảo lộn to lớn cũng khó phá nổi những quan hệ này. + Lịch sử nước ta trải qua hai cuộc cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, biết bao gia đìnhphải li biệt, bị thất lạc, rời bỏ quê nhà. Nhưng sau khi quốc gia thống nhất, họlại tìm về gia đình, bản quán. Ðó là tính bền vững và kiên cố trong quan hệ gia đình. Gia đình trong sự tăng trưởng của xã hội lúc bấy giờ. – Hiện nay tất cả chúng ta đang thiết kế xây dựng, tăng trưởng Nhà nước theo xu thế xãhội chủ nghĩa, tức là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Một Nhà nước vì lợi íchtự do, bình đẳng, văn minh, niềm hạnh phúc của mọi gia đình, trọn vẹn khác vớiNhà nước thực dân, phong kiến trước đây chỉ vì độc quyền của một bộ phậnthuộc giai cấp thống trị. + Tính chất ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa cùng với sự quyết tâm củaÐảng Cộng sản Việt Nam so với tiềm năng làm cho “ dân giàu, nước mạnh, xãhội công minh dân chủ, văn minh ” là động lực thôi thúc can đảm và mạnh mẽ sự phát triểntoàn diện đời sống kinh tế vật chất cũng như đời sống niềm tin của mọi gia đìnhViệt Nam. + Ðặc biệt trong những năm gần đây, với nhiều giải pháp đồng điệu, tích cực củanhà nước, tương hỗ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp … xâydựng hạ tầng cơ sở và chủ trương nâng cao dân trí, triển khai chương trình dânsố – Kế hoạch hoá gia đình ( DS – KHHGÐ ) … giảng dạy cho đại bộ phận, gia đìnhlao động ở thành phố và nông thôn và cả vùng sâu xa thoát khỏi cảnh đóinghèo, cơ cực, vươn tới rất đầy đủ, ấm no. – Có thể chứng minh và khẳng định chưa khi nào như lúc bấy giờ, nhờ có sự chăm sóc của Ðảngvà Nhà nước XHCN, đời sống của mọi gia đình đã và đang có những bước đổithay kỳ diệu, tạo nên bộ mặt mới của xã hội Nước Ta với những hứa hẹn ngàycàng giàu đẹp, văn minh hơn. Các loại Gia Đình Và Chức Năng Của Gia Đình Nước Ta HiệnNayCác Loại Gia ĐìnhTrong quy trình điều tra và nghiên cứu, người ta thường đặt ra 1 số ít tiêu chuẩn “ chuẩn ” ship hàng cho mục tiêu điều tra và nghiên cứu để phân ra những loại gia đình. Cách phân chiađó cũng chỉ có đặc thù tương đối, bởi những tiêu chuẩn trong cơ cấu tổ chức gia đình đều cómối quan hệ gắn bó với nhau. 1.1. Nếu lấy số lần hôn nhân gia đình làm tiêu chuẩn thì có hai loại là. – Gia đình đơn hôn, tiếp tục sống sót một vợ, một chồng từ lúc son trẻ chođến khi tóc bạc, răng long. Ðây là loại gia đình được mọi thời đại trân trọng vì nóthể hiện được tình cảm chung thủy, thống nhất đời sống giữa người đàn ôngvà người đàn bà. – Gia đình đa hôn, người đàn ông có nhiều vợ. Ðây là gia đình thường phát triểndưới xã hội phong kiến, được xã hội đồng ý theo quan điểm “ Trai năm thêbảy thiếp. Gái chính chuyên chỉ có một chồng ”. Tất nhiên đây là loại gia đìnhmang nặng sắc tố gia trưởng, thường xảy ra ở giai cấp bóc lột trong xã hộiphong kiến. 1.2. Nếu theo tiêu chuẩn là thế hệ trong gia đình thì tất cả chúng ta thường thấy. – Gia đình hạt nhân, gồm có cha mẹ và con cháu tức là chỉ có hai thế hệ. Ðây làloại gia đình đang tăng trưởng can đảm và mạnh mẽ ở nước ta cũng như trên quốc tế do nềnsản xuất đại công nghiệp và khuynh hướng đô thị hóa. – Gia đình đa thế hệ ( tam, tứ … đại đồng đường ), nhiều thế hệ chung sống vớinhau dưới một mái nhà. Ðây là loại gia đình có từ ba thế hệ trở lên, được gọi làgia đình lan rộng ra gồm có ông bà, cha mẹ, cháu chắt … Hiện nay gia đình mởrộng còn sống sót trong đồng bào dân tộc bản địa, vùng sâu, vùng xa và 1 số ít ít ở nôngthôn. 1.3. Gia đình ở nước ta. 1.3.1. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, có một loại gia đình mới tăng trưởng gồmnhững người bị mất vợ hoặc mất chồng do cuộc chiến tranh gây nên ( họ hoàn toàn có thể đã cócon riêng ) phải triển khai hôn nhân gia đình lần thứ hai, sau đó có con chung. 1.3.2. Nếu địa thế căn cứ vào số con trong gia đình theo tiêu chuẩn DS-KHHGÐ thì có : – Gia đình quy mô nhỏ : gồm cha mẹ và một hoặc hai con ; – Gia đình lớn : gồm cha mẹ và từ ba con trở lên. 1.3.3. Căn cứ vào sự hiện hữu của cha hoặc mẹ trong gia đình, người ta cònphân ra : – Gia đình rất đầy đủ : có cả cha lẫn mẹ cùng chung sống lưng đấu cật kiến thiết xây dựng gia đình, nuôi dưỡng, chăm nom con cháu ; – Gia đình không vừa đủ : chỉ còn cha hoặc mẹ ( do góa bụa, hoặc li hôn ) phảigánh vác hàng loạt nghĩa vụ và trách nhiệm trong gia đình. Trong những thực trạng đơn cử, những gia đình trên đổi khác cấu trúc : có bố dượng hoặc dì ghẻ. 1.3.4. Do hậu quả của cuộc chiến tranh, ở Nước Ta còn có không ít gia đình phụ nữthiếu vắng chồng, có con ngoài hôn thú, gia đình đơn độc – hầu hết là so với thếhệ tuổi già. Ngoài ra xuất phát từ cơ sở, mục tiêu nghiên cứu và điều tra của những môn khoa học như : xã hội học, tâm lí học, kinh tế học, tội phạm học v.v … mà người ta còn phân racác loại gia đình có những nét đặc trưng cơ bản khácCác Giai Đoạn Phát Triển Của Gia ĐìnhSự tăng trưởng của một gia đình thường trải qua một số ít quá trình sau đây : 1. Giai đoạn thứ nhất. – Trải qua thời kỳ yêu đương, đôi nam nữ hoàn toàn có thể hiểu biết, gật đầu những néttính cách, phẩm chất, năng lượng, điều kiện kèm theo, thực trạng của nhau. – Họ tự nguyện kết hôn, chung sống với nhau hợp thức về mặt pháp lý, côngkhai về mặt tình cảm, được xã hội công nhận đó là gia đình một tổ chức triển khai cơ sởcủa xã hội. 2. Giai đoạn thứ hai. – Từ khi kết hôn cho đến khi sinh đứa con đầu lòng. Ðây là quá trình vợ chồngson trẻ. Sự thỏa mãn nhu cầu về nhu yếu ý thức, nhu yếu sinh lý đạt đến đỉnh điểm củanó. – Tùy vào điều kiện kèm theo, thực trạng gia đình ( hầu hết của đôi vợ chồng son trẻ ) màxuất hiện đứa con đầu lòng. Gia đình trong quy trình tiến độ này có thêm chức năngmới là nuôi dạy con cháu. 3. Giai đoạn thứ ba. – Từ khi sinh đẻ cho đến khi con cháu trưởng thành. – Ðây là quy trình tiến độ cha, mẹ rất là khó khăn vất vả, gian nan. Ngoài việc lo ăn, lo mặc, dạy dỗ con cháu, còn phải lo dựng vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, tạodựng tiền đề cơ bản giúp cho những con bước vào cuộc sống tự lực cánh sinh. 4. Giai đoạn thứ tư. – Cha mẹ bước sang tuổi già, con cháu đã trưởng thành có gia đình riêng, cha mẹgià hoàn toàn có thể ở riêng hoặc ở chung với con cái. – Ðặc biệt là khi người cha hoặc người mẹ qua đời, đó cũng là quy trình tiến độ giải thểgia đình hạt nhân. Sự phân loại ra những quá trình tăng trưởng của gia đình chỉ có ý nghĩa tương đốinhằm nhấn mạnh vấn đề những nét đặc trưng, những tính năng nổi trội phát sinh ratrong từng quá trình mà những bậc cha mẹ cần phải chăm sóc. Nhưng chức năngxuyên suốt trong những thời kỳ của những bậc cha mẹ, rất có lí như nhà giáo dụcV. A.Xukhômlinxki viết : “ Có hàng chục hàng trăm ngành nghề, việc làm khácnhau : người này kiến thiết xây dựng đường tàu, người kia làm nhà tại, người thì làm bánhmì, người thì chữa bệnh … Nhưng có một việc làm thông dụng nhất, phức tạpnhất và cao quý nhất như nhau so với mọi gia đình đó là sự phát minh sáng tạo ra conngười. Một sự nỗ lực cao nhất của tổng thể những sức mạnh ý thức của bạn. Ðó làsự khôn ngoan, là tài nghệ, là thẩm mỹ và nghệ thuật trong đời sống của bạn ” Các Chức Năng Cơ Bản Của Gia ĐìnhTheo quan điểm đa phần của những nhà nghiên cứu Nước Ta thì gia đình có chức năngsau đây : 1. Chức năng sinh đẻ. – Bản năng sinh lí của loài người đã thôi thúc quan hệ tính giao giữa người đànông và đàn bà trải qua hình thức hôn nhân gia đình để sinh đẻ con cháu, truyền sinh sựsống duy trì loài người. Ðó là trách nhiệm thiêng liêng ( thiên chức ) của những bậccha mẹ được “ tạo hóa ” trao cho quy luật phát minh sáng tạo đời sống, bảo vệ sựtrường tồn của nòi giống. + Xét về góc nhìn xã hội, vương quốc muốn hùng mạnh, tăng trưởng thì tất yếu phải táisản xuất ra sức lao động xã hội. Nói đến tái sản xuất ra bản thân con ngườinghĩa là sinh sản để thay thế sửa chữa những thế hệ đã mất đi do già lão, bệnh tật, tainạn không bình thường v.v … đồng thời thế hệ được sinh sản sau phải là sức lao độngcó trình độ, năng lượng hơn những thế hệ trước để góp thêm phần phát minh sáng tạo ra một xãhội ngày càng văn minh, văn minh hơn. + Nếu không có tính năng sinh sản tái sản xuất ra sức lao động ngày một hoànhảo hơn của gia đình thì xã hội không những không hề tiến lên phía trước, màcũng không hề đứng yên được tại chỗ mà chỉ thụt lùi đi đến chỗ diệt vong. – Sinh đẻ, tái sản xuất ra sức lao động được coi là nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của giađình so với sự tồn vong của xã hội. Do đó, nam nữ kiến thiết xây dựng gia đình trên cơsở hôn nhân gia đình tự nguyện, tân tiến và những con cháu của họ sinh ra đều được phápluật, xã hội công nhận và bảo trợ. – Trước đây, do trình độ nhận thức, trình độ tăng trưởng khoa học kĩ thuật cònthấp kém, con người chưa có ý thức không thiếu và chưa có năng lực kiểm soátđiều tiết việc sinh sản để bảo vệ sức khỏe thể chất cho bà mẹ, chất lượng đời sống chotrẻ em. Việc sinh sản theo ý niệm “ Trời sinh voi, sinh cỏ ” đã dẫn đến tìnhtrạng nhiều gia đình quá đông con nên nghèo khó, bệnh tật, trẻ nheo nhóc, thiếudinh dưỡng, không được học tập, tuổi thọ trung bình thấp v.v … – Hiện nay tính năng sinh sản gia đình tương quan mật thiết với rủi ro tiềm ẩn bùng nổdân số, rủi ro tiềm ẩn ô nhiễm môi trường tự nhiên, hết sạch tài nguyên v.v … Vì vậy chứcnăng sinh sản, tái sản xuất ra sức lao động phải : + Ðảm bảo số lượng và chất lượng đời sống của đứa trẻ, của những thành viêntrong gia đình là yếu tố nhân bản, khẩn cấp, có tính toàn thế giới. + Riêng ở Nước Ta tất cả chúng ta đang đặt ra nghĩa vụ và trách nhiệm cho mỗi cặp vợ chồng chỉsinh đẻ 1 hoặc 2 con nhằm mục đích thực thi triệt để chương trình DS-KHHGÐ. 2. Chức năng nuôi nấng, giáo dục. – “ Con người muốn trở thành con người cần phải có giáo dục ”. Ðó là một chân líđã được đúc rút trong lịch sử dân tộc tăng trưởng của quả đât. + Từ nhỏ, con người không được giáo dục, lớn lên không khác gì cây hoang, cỏdại ở ngoài đồng và nếu không được sống trong thiên nhiên và môi trường gia đình và xã hộithì cũng không khác mấy những loài động vật hoang dã. + Trong lịch sử dân tộc có hơn 30 trường hợp trẻ con bị lạc vào rừng được sói nuôidưỡng đã trở thành “ người sói ”. Tất cả những trường hợp của “ đứa trẻ hoangdã ” dù sau khi được trở lại với xã hội người, đều có hiệu quả tương tự như, khó lòngtrở thành một con người thực thụ. – Quá trình nuôi dưỡng, giáo dục con người mở màn từ trong bào thai của mẹ ( thai giáo ) và khi cất tiếng chào đời là ở trong thiên nhiên và môi trường gia đình. Sứ mệnhnuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ từ khi mới sinh ra không hề phó thác, chuyểnnhượng cho ai có nghĩa vụ và trách nhiệm hơn, tốt đẹp hơn là gia đình. Gia đình là “ trườnghọc ” tiên phong so với cuộc sống của mỗi con người. + Theo A.C. Makarencô : “ Những gì mà cha mẹ đã làm cho con trước 5 tuổi, đólà 90 % tác dụng của quy trình giáo dục ”. + Kinh nghiệm giáo dục truyền thống cuội nguồn của nhân dân ta cũng chứng minh và khẳng định : “ Uốn cây từ thuở còn nonDạy con từ thuở con còn trẻ thơ ” – Giáo dục gia đình không những có tính năng can đảm và mạnh mẽ, có ý nghĩa thâm thúy đốivới tuổi trẻ thơ, mà còn có ý nghĩa so với cả cuộc sống của con người lúc đãtrưởng thành cho đến lúc tuổi già. Nói cách khác là những phẩm chất đạo đức, tính cách, cũng như năng lượng chuyên biệt của cha mẹ thường ảnh hưởng tác động rấtlớn so với con cái trong gia đình. Vì vậy, nhiều nhà khoa học đã nhận định và đánh giá : ” Cómột trong thực tiễn lạ lùng là hầu hết những thiên tài đều có bà mẹ tuyệt vời và họnhận được ở người mẹ nhiều hơn là ở người cha ” ( * ). – Việc chăm sóc nuôi nấng, giáo dục của cha mẹ so với trẻ ở trong gia đình : + Trước hết là nhằm mục đích giữ gìn và tăng trưởng sức khỏe thể chất, không để trẻ lâm vào tìnhtrạng đói, rét, suy dinh dưỡng, sống lay lắt, ốm đau bệnh tật tác động ảnh hưởng đến thểtrạng của người công dân tương lai, đến nòi giống dân tộc bản địa. + Hơn thế nữa, cha mẹ phải tiếp tục tạo ra môi trường tự nhiên sống có ý nghĩavà tính năng giúp con cháu hình thành và tăng trưởng tổng lực nhân cách ngườicông dân chân chính tương lai. + Thực chất của việc tổ chức triển khai giáo dục trên là xã hội hóa đứa trẻ, biến sinh thểtự nhiên thành một thực thể có năng lực hòa nhập, thích ứng, sống, học tập, thao tác theo nhu yếu đổi khác của xã hội. – Quá trình xã hội hóa đứa trẻ trong gia đình về đại thể diễn ra như sau : + Ngay lúc còn thai nhi, đặc biệt quan trọng từ thuở lọt lòng, đứa trẻ đã được tiếp xúc vớinền văn hóa truyền thống gia đình mà tiêu biểu vượt trội là : trân trọng vị trí, công lao của cha, mẹ ( “ Công cha như núi Thái Sơn ; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ” ) ; yêuthương quý mến những người có quan hệ máu mủ ruột rà, ông bà, bạn bè, chúbác, cô, dì … ( một giọt máu đào hơn ao nước lã ; bạn bè như chân với tay ) ; đềcao tình nghĩa vợ chồng, đạo lí giữa cha mẹ và con cháu, giữa gia đình và họhàng, làng xóm, hội đồng ( một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ ) ; tiếp thu nhữngkinh nghiệm về mọi mặt, nhất là về nghề nghiệp, về lao động sản xuất ( đời chacho chí đời con, đẽo vuông rồi lại đẽo tròn mới nên, … hoặc : nước, phân, cần, giống v.v … + Từ nền văn hóa truyền thống gia đình, đứa trẻ càng trưởng thành càng tiếp xúc với nềnvăn hóa to lớn hơn, phong phú và đa dạng hơn qua tiếp xúc, học tập, lao động, vui chơigiải trí, hoạt động giải trí xã hội, hoạt động giải trí tập thể v.v … Nó từ từ sở hữu mộtcách tinh lọc, phát minh sáng tạo nền văn hóa truyền thống xã hội ở mức độ thiết yếu, nhất định. + Từ đứa trẻ ở trong gia đình biết vị trí của mình là con, là cháu, người anh, người chị từ từ ý thức được là người công dân tương lai của quốc gia vớinhững nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền hạn được xã hội gật đầu. – Tất nhiên, quy trình xã hội hóa đứa trẻ không trọn vẹn do giáo dục gia đìnhquyết định. Giáo dục gia đình – cha mẹ với tư cách là nhà giáo dục tiên phong khơinguồn, mở mang cho việc hình thành và tăng trưởng những yếu tố nhân cách gốc, tạo cơ sở rất quan trọng cho đứa trẻ tiếp thu có hiệu suất cao giáo dục của nhàtrường, đoàn thể xã hội. – Giáo dục gia đình có những nét đặc trưng mà giáo dục nhà trường, giáo dục xãhội không hề có, đó là : + Tình cảm yêu thương tràn ngập của cha mẹ so với con cái, nên họ chuẩn bị sẵn sàng hisinh những điều kiện kèm theo vật chất và niềm tin, dành mọi thuận tiện cho quy trình giáodục, miễn sao con cháu nên người. + Ðồng thời, giáo dục gia đình là một nền giáo dục tổng lực, cụ thể hóa và cábiệt hóa rất cao. – Từ những yếu tố đã được trình diễn ở trên, tất cả chúng ta thấy rằng : nuôi nấng vàgiáo dục con cháu là công dụng đặc biệt quan trọng quan trọng của gia đình, không có mộtđơn vị, tổ chức triển khai nào hoàn toàn có thể thay thế sửa chữa được. Do đó, việc hoàn thành xong và nâng caohiệu quả giáo dục gia đình luôn luôn là một yếu tố thời sự có ý nghĩa rất mớimẻ, rất cấp thiết của mọi dân tộc bản địa, mọi vương quốc. – Chính thế cho nên mà cần phải chống lại những quan điểm cho rằng, trong xã hộihiện đại, công dụng giáo dục trẻ của gia đình đã được chuyển giao cho những thiếtchế xã hội như nhà trẻ, trường học mẫu giáo và đại trà phổ thông, còn gia đình chỉ cóchức năng sinh đẻ và link tình cảm. – Ðặc biệt so với những ảnh hưởng tác động xấu đi của nền kinh tế thị trường đến mọilứa tuổi. Giáo dục gia đình cũng không tránh khỏi những tác động ảnh hưởng cực kỳnguy hiểm. Nếu những bậc cha mẹ lơ là không chăm sóc đến việc nuôi dạy concái ; không biết cách giáo dục con cháu ; thiếu gương mẫu trong cách sống, lốisống của một người công dân chân chính, tất yếu sẽ đem lại những hậu quảthảm hại so với con cái trong gia đình. 3. Chức năng kinh tế tài chính bảo vệ sự sống sót và tăng trưởng của mọi thành viên tronggia đình. – Từ bao đời nay, gia đình luôn luôn được coi là một đơn vị chức năng kinh tế tài chính sản xuất vàtiêu dùng của xã hội. + Con người sinh ra và lớn lên trong gia đình, trước hết là cần đến cái ăn, cáimặc để sống sót và tăng trưởng, cần đến nhà cửa, nơi để che mưa, che nắng, cầnđến vật dụng hoạt động và sinh hoạt hàng ngày, đến thuốc men để chữa bệnh khi đau ốm. + Quá trình hình thành gia đình, từ hai người nam, nữ không quen biết đến yêuthương nhau rồi trải qua hôn nhân gia đình tạo thành đạo nghĩa vợ chồng, sinh con đẻcái, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Ðó cũng chính là một quy trình tổ chức triển khai kinhtế mà đôi nam nữ phải vượt bao khó khăn vất vả, khó khăn bằng sức lao động của mìnhđể tạo dựng nên tổ ấm gia đình. – Nói đến công dụng kinh tế tài chính của gia đình, trước hết phải nói đến làm thế nào đảmbảo cho mọi thành viên có đời sống ấm no, đó chính là việc ăn, mặc, ở – nhucầu thiết yếu, cơ bản nhất của con người. Tất nhiên nhu yếu của con ngườicũng ngày càng thêm phong phú và đa dạng, được nâng cao theo tiến trình tăng trưởng củaxã hội, không dừng lại ở mức độ ăn no, mặc ấm mà tiến tới ăn ngon mặc đẹp : nhà đủ tiện lợi, sang trọng và quý phái ; phương tiện đi lại đi lại của cá thể nhanh gọn, thuậnlợi ; … hoạt động và sinh hoạt văn hóa truyền thống, nghỉ ngơi, vui chơi tự do. Vì vậy : + Gia đình – cha mẹ là người phải biết tổ chức triển khai hoạt động giải trí kinh tế tài chính, sản xuất nhằmtăng nguồn thu nhập từ những ngành nghề chính và nghề phụ, biết kêu gọi và sửdụng hài hòa và hợp lý sức lao động của mỗi thành viên trong gia đình, tổ chức triển khai lao độngcó hiệu suất cao cao, trong đó cần quan tâm đến việc giáo dục tình cảm thái độ lao độngcho con cháu và những thành viên khác trong gia đình, làm thế nào phát huy được tinhthần tự giác, phát minh sáng tạo trong lao động để làm cho kinh tế tài chính gia đình ngày càng dồidào. + Ðồng thời với hiệu suất lao động tạo ra thu nhập cao của mọi thành viên, giađình cũng phải chăm sóc đến việc tiêu tốn ( tiêu dùng ) có kế hoạch, tiết kiệm chi phí nhưphương ngôn có câu “ Buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà tiện ”, đặc biệt quan trọng làphải tránh xa những tệ nạn nghiện ngập, cờ bạc … làm cho khuynh gia bại sản, đẩycon người vào con đường cùng quẫn bằng những hành vi mất nhân tính. – Chức năng kinh tế tài chính trong gia đình có ý nghĩa quyết định hành động so với sự sống còncủa mọi thành viên, đồng thời lao lý, chi phối những công dụng khác như sinhđẻ, giáo dục, văn hoá, quan hệ … trong đời sống thường nhật của gia đình. 3.4. Chức năng thỏa mãn nhu cầu ý thức, tâm ý. – Từ xưa đến nay con người đã thưởng thức và chứng minh và khẳng định gia đình là tổ ấm đốivới mọi cá thể, dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng. Gia đình chính là nơi mọithành viên có điều kiện kèm theo chăm sóc, chăm nom đến nhau, tạo nên sự thỏa mãnnhững nhu yếu vật chất và ý thức thiết yếu cho mỗi cá thể. Họ hoàn toàn có thể hisinh, nhường nhịn cho nhau vì tình yêu thương ruột thịt : + Như tình mẫu tử : “ Chốn ướt mẹ nằm, ráo xê con lại ” + Trong đạo vợ chồng : “ Vợ chồng là nghĩa già đời Ai ơi chớ nghĩ những điềuthiệt hơn ” + Tình bạn bè : “ Khôn ngoan đối đáp người ngoàiGà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ” – Gia đình – nơi đây là khoảng trống thuộc quyền sở hữu riêng của mọi thành viêntrong gia đình liên tục đem lại cho họ cảm xúc bảo đảm an toàn, tự do. + Ðối với mọi thành viên sau một ngày học tập, lao động stress ở nhà trường, cơ quan, nhà máy sản xuất hay trên đồng ruộng, người ta sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn giải trí, tu dưỡng lại sức lực lao động ở gia đình. + Tất cả những sự sự không tương đồng, stress trong quan hệ ở nơi thao tác, ngoài xãhội khi về dưới mái ấm gia đình, nhận được lời an ủi, động viên của người thânlàm cho họ bình tâm, yên tĩnh, dịu đi cơn bực dọc. + Những sở trường thích nghi, nhu yếu cơ bản nhất như ăn, ở, mặc, nghỉ ngơi … được thỏamãn một cách triệt để nhất, riêng tư nhất cũng ở trong gia đình. – Ðồng thời, gia đình còn là nơi đã ghi lại trong kí ức sâu thẳm những tình cảmthiết tha, nồng nàn, thiêng liêng của đời người : qua cái ấm cúng trong mùa đônglạnh giá, cái thoáng mát giữa mùa hè nực nội, cái no đủ lúc mùa màng thất bát, cáitươi tắn, khỏe mạnh trải qua cơn bệnh tật, ốm đau mà gia đình đã chung lòng, chung sức chăm sóc … – “ Tổ ấm gia đình ” như một “ bến đậu ” từ đó ra đi xuôi ngược, rồi thuyền lại cậpbến, ru mình trên dòng sông xanh mát, hoặc tránh cả những cơn bão tố phongba. Về với gia đình những kỉ niệm vui buồn, đồng cam cộng khổ, vui sướng … được gợi lên làm cho tình cảm ruột thịt, quê nhà thêm thâm thúy, cuộc sống conngười thêm ý nghĩa. Chính vì thế, trong thực tiễn đời sống đã có biết bao nhiêu con người vì điềukiện này hay điều kiện kèm theo khác phải phưu cư, bạt quán, xa mái ấm gia đình hết gầncả cuộc sống, nhưng khi có điều kiện kèm theo vẫn dạt dẹo triển khai nguyện ước về lại vớigia đình – nơi quê cha đất tổ, nơi chôn nhau, cắt rốn của tuổi ấu thơ. 5. Chức năng chăm nom người già. – Dân tộc ta vốn có truyền thống lịch sử đạo lý tôn trọng người cao tuổi ( trọng lão ). “ Kính lão đắc thọ ” hoặc “ Kính già, già để tuổi cho ”. Ðiều đó không chỉ biểu hiệntrong tư duy, tình cảm phản ánh qua thơ ca, tục ngữ … mà còn được ghi nhậnmột cách rất cụ thể, đơn cử trong lệ làng, luật nước, trên tổng thể những nghành kinhtế, chính trị, văn hóa truyền thống, xã hội. Từ rất lâu rồi, phương ngôn ta đã có câu : “ Triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ ” ( Xỉ chữ Hán có nghĩa là răng, răng bền bộc lộ tuổi thọ ) Luật nước, lệ làng so với việc “ trọng lão ” không những tùy thuộc vào từng thờiđại phong kiến, mà còn tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán hoạt động và sinh hoạt của cộngđồng được bảo tồn thâm thúy trong những hương ước, khoán ước làng xã. Có thểcắt nghĩa lệ làng, luật nước chăm nom, tôn trọng người cao tuổi với mấy lí dosau : + Về sức mạnh tự nhiên : Nó biểu lộ ở trí tuệ và kinh nghiệm tay nghề tích góp đượccủa người già từ lao động để sống sót, tăng trưởng nòi giống và chiến đấu để bảovệ Tổ quốc, giang sơn do cha ông để lại. + Về sức mạnh xã hội : Tiếng nói của người cao tuổi có sức mạnh lớn lao trênthì so với vua hiền, tôi thẳng phải kính nể, dưới thì so với hội đồng làng xómcó ý nghĩa đoàn kết, cổ vũ, hòa giải, động viên. – Ðối với gia đình, nuôi dưỡng chăm nom ông bà, cha mẹ già là bộc lộ đạo hiếucủa con cháu trong gia đình, là biểu lộ lòng biết ơn thâm thúy so với những thếhệ đã vượt qua, đã chịu đựng biết bao khó khăn vất vả, gian nan, thiếu thốn để chắt chiura những dòng sữa ngọt ngào, những miếng cơm, manh áo nuôi, dạy con cháutrưởng thành và tạo lập nên cơ nghiệp gia đình, góp thêm phần kiến thiết xây dựng đất nướchôm nay. – Theo ý niệm của Phật giáo thì đời sống của con người ai cũng phải trảiqua một vòng đời : sinh, bệnh, lão, tử. Ðến tuổi già lão, sức khỏe thể chất con người bịgiảm sút, những tế bào trong lục phủ, ngũ tạng bị lão hóa dẫn đến thực trạng chânrun, gối mỏi, nhiều bệnh tật phát sinh là quy luật tất yếu không mấy ai đượcngoại lệ. Ðến lúc đó con cháu, gia đình phải bảo vệ, chăm nom, phụng dưỡng làđạo lí và quy luật tự nhiên ở đời như mọi người đã ý thức được là “ Trẻ cậy cha, già cậy con ” không những để cho ông bà, cha mẹ già mừng cuống, thanh thản vuicùng con cháu, xóm làng những ngày cuối đời trước lúc bước vào cõi vĩnhhằng, mà còn nhằm mục đích tiếp thu một kho tàng kỹ năng và kiến thức, kinh nghiệm tay nghề đã tích lũyđược qua bao năm tháng : “ Ðã từng ăn bát cơm đầyÐã từng nhịn đói chín ngày không ăn ” – Bảo vệ, chăm nom ông bà, cha mẹ lúc tuổi già không những là đạo hiếu “ đềnơn đáp nghĩa ” để cho những cụ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, mà phần khác để cho cáccụ có thời hạn, điều kiện kèm theo thuận tiện hơn chuyển giao lại cho con cháu nhữngkinh nghiệm quý báu đã được thưởng thức suốt cả cuộc sống về nhiều mặt, trongđó có việc đối nhân, xử thế, việc thiết kế xây dựng, củng cố nề nếp, gia phong, gia giáotrong gia đình, việc thiết lập trật tự, kỉ cương trong thôn xóm, hội đồng … Ôngbà, cha mẹ già ở trong gia đình vẫn có vị trí, vai trò rất quan trọng : + Can thiệp, xử lý những mối bất hòa hoàn toàn có thể xảy ra giữa những con, những cháu đểbảo vệ những mối quan hệ chính đáng, tốt đẹp ở trong gia đình. + Ngăn chặn, phê phán can đảm và mạnh mẽ những tâm lý, hành vi trái với đạo lí ở tronggia đình và ngoài xã hội làm tổn hại đến danh dự, truyền thống lịch sử gia phong, giagiáo của dân tộc bản địa. + Nhắc nhở con cháu nhớ đến những ngày lễ tết, giỗ chạp so với tổ tiên, ôngbà, nhằm mục đích biểu lộ lòng thành kính nhớ đến cội nguồn ” Ăn quả nhớ kẻ trồngcây “. + Giúp con cháu trông nom gia đình lúc chúng đi vắng. Tổ chức, sắp xếp công việcvặt, tạo nên đời sống ngăn nắp, ngăn nắp thật sạch trong gia đình. + Kèm cặp, nhắc nhở những cháu học tập, tắm giặt thật sạch, siêu thị nhà hàng, nghỉ ngơiđiều độ, giáo dục uốn nắn những sai lầm trong ngôn từ, hành vi, cử chỉ … hướng những cháu hình thành, tăng trưởng những yếu tố nhân cách thiết yếu củacon người công dân chân chính tương lai theo nhu yếu, yên cầu của xã hội. – Khó lòng mà tính hết được những việc làm vô tư, hết mình, có trách nhiệmcao, không quản ngại ngày, đêm khó khăn vất vả của ông bà, cha mẹ già so với concháu trong gia đình, vì thế trong dân gian ta đã có câu nhìn nhận sự giúp sức tolớn của những cụ : ” Một mẹ già bằng ba trâu nái ” Hoặc ” Một mẹ già bằng ba người ở ” – Vì vậy, gia đình có ông bà, cha mẹ già – đại thọ là điều quý và hiếm rất đáng tựhào, trân trọng “. ” Mẹ già như chuối ba hươngNhư xôi nếp mật, như đường mía lau ” Chuối ba hương, xôi nếp mật, đường mía lau trong xã hội nông nghiệp cònnghèo khó xưa kia đó là những mẫu sản phẩm quý và hiếm mà ai ai cũng thèm thuồng, mơ ước. Mẹ già cũng vậy, ai cũng mong ước có mẹ già để bảo ban mình vàcon cháu, do đó là con cháu trong gia đình phải kính yêu, nuôi dưỡng chămsóc ông bà, cha mẹ bằng những bộc lộ đơn cử : + Cái ăn, cái mặc phải tương đối vừa đủ hợp với điều kiện kèm theo, năng lực của giađình, cố gắng nỗ lực ưu tiên những nhu yếu thiết yếu vì tuổi già. + Lúc ông bà, cha mẹ ốm đau phải hỏi han, thuốc thang, chăm nom chu đáo, thành tâm, để những cụ tránh khỏi mặc cảm ” tuổi già là gánh nặng ” cho con cháuvà tâm trạng đơn độc. + Phải bộc lộ lòng tôn kính, hiếu thảo của mình trong hành vi ứng xử : nétmặt vui vẻ, xưng hô lễ phép, nói năng nhã nhặn. Dù trong trường hợp nàocũng không được coi thường những cụ một cách thô lỗ. Giáo Dục Gia Đình Nước Ta Với Lịch Sử Phát Triển Của Xã Hội – Tìm hiểu, nghiên cứu và điều tra vai trò, công dụng giáo dục của gia đình Nước Ta trongcác quá trình lịch sử vẻ vang khác nhau so với việc hình thành và tăng trưởng nhân cáchlà một hướng tiếp cận khoa học rất là quan trọng nhằm mục đích khai thác, thừa kế vàphát triển những yếu tố truyền thống lịch sử tích cực của cha ông ta trước đây đối vớiviệc rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Thế hệ đang sống trong thời đạivăn minh, tiên tiến và phát triển nhất của trái đất, đang yên cầu họ ngày càng cao về nhữngphẩm chất, năng lượng thiết yếu để cung ứng nhu yếu tăng trưởng của xã hội. – Con người Nước Ta từ xưa đến nay có mối quan hệ ngặt nghèo lưu thông giữacá nhân-gia đình, làng, nước trong quy trình tăng trưởng của thành viên và hội đồng. Quan hệ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, đã được cha ông ta coi như làmột nguyên tắc logíc so với sự tăng trưởng và hoàn thành xong nhân cách. Tuy nhiên, trong từng quá trình lịch sử vẻ vang của quốc gia, vai trò và nội dung giáo dục gia đìnhcũng có những đổi khác. Giáo Dục Của Gia Đình Nước Ta Truyền Thống – Xã hội Nước Ta truyền thống cuội nguồn có sự sống sót lâu dài hơn của nền văn minh nôngnghiệp lúa nước-sự không thay đổi của tổ chức triển khai xã hội nông thôn và sản xuất theo hộgia đình mang đặc thù tự cung tự túc, tự cấp là đặc thù sống sót lâu dài hơn trong lịch sửphát triển của quốc gia. + Trong điều kiện kèm theo đó mạng lưới hệ thống giáo dục của Nhà nước phong kiến chưa pháttriển. + Tổ chức văn hóa truyền thống gia đình theo chính sách gia trưởng phụ quyền chịu ảnh hưởngcủa hệ tư tưởng Nho giáo và Phật giáo : Gia đình giữ vai trò hầu hết, cơ bảntrong việc hình thành nhân cách con người ở trong tổng thể mọi tri thức, đạo đứcvà nghề nghiệp. Tất nhiên trừ một số ít rất ít thuộc con trẻ giai cấp thống trị, đặcbiệt lắm mới có con trẻ nhân dân lao động đến trường học theo đòi bút nghiênmong tiến thân bằng con đường hoan lộ, nhưng mấy ai thành đạt. + Giáo dục gia đình không ngoài việc hình thành và tăng trưởng người công dânhiền lành siêng năng, chất phác sống trong phương pháp sản xuất xã hội tự cung tự túc tựcấp là hầu hết : ” Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ “. + Tham gia vào giáo dục trẻ ngoài cha mẹ, còn có ông bà nội ngoại, cô dì, chúbác ruột thịt sống thân thiện nhau trong một khu đất, một mảnh vườn và còn có cảdân làng chòm xóm cũng có vai trò giám sát đứa trẻ, tương hỗ cho gia đình. + Các yếu tố cơ bản, cốt lõi và thang giá trị của một nhân cách cũng không mấyphức tạp và không có sự đảo lộn, dịch chuyển liên tục. Cho nên giáo dụcgia đình cũng không gặp những trở ngại gì lớn trong việc hình thành và pháttriển những yếu tố nhân cách cơ bản theo nội dung tam cương, ngũ thường, ngũ luân mà điển hình nổi bật lên là : ” Trai thì trung, hiếu làm đầuGái thì tiết hạnh là câu sửa mình “. – Trong điều kiện kèm theo lịch sử vẻ vang xã hội, không có những biến hóa cách mạng kinh hoàng vềphương thức sản xuất, cứ vậy sống sót hàng vạn năm, gia đình đã giữ vai trò hếtsức quan trọng, vai trò hầu hết trong việc hình thành và tăng trưởng nhân cáchcon người Nước Ta đậm đà truyền thống dân tộc bản địa, với những truyền thống lịch sử rất tốt đẹpđược giữ gìn truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác như tình gia tộc, nghĩađồng bào, lòng bao dung độ lượng, thù ghét tham lam, gián trá, dốc lòng bảo vệxây dựng quê nhà, xóm thôn, quốc gia … Giáo Dục Gia Đình Và Nhân Cách Con Người Nước Ta Trong Thời KỳThuộc Pháp – Từ khi thực dân Pháp xâm lăng Nước Ta, chúng tìm cách vơ vét tài nguyêncủa nước ta bằng việc khai thác những hầm mỏ than, đồng, sắt, thiếc, lập đồnđiền, mở mang đường sá giao thông vận tải, bến cảng, thôi thúc sự kinh doanh với nướcngoài. + Nền kinh tế tài chính Nước Ta từ trạng thái tự cung tự túc, tự cấp, khép kín đã lan rộng ra ramột nền kinh tế thị trường dù rất sơ khai. + Cơ cấu xã hội Nước Ta có sự chuyển đổi mới. Chữ quốc ngữ sinh ra thay thếcho chữ Hán và chữ Nôm. + Văn hoá Pháp cùng với những kỹ năng và kiến thức khoa học kĩ thuật được truyền bárộng rãi. + Một bộ phận gia đình Nước Ta thuộc những tầng lớp viên chức, tiểu tư sản, tư sảndân tộc mới phát sinh chịu tác động ảnh hưởng của văn hóa truyền thống phương Tây, đồng thời hệthống nhà trường do nhà nước tổ chức triển khai quản lí cũng ngày càng mở mang, đảmnhiệm phần giáo dục tri thức, nghề nghiệp thay thế sửa chữa dần vai trò của gia đình. – Song, bộ phận phần đông nhất là gia đình nông dân Nước Ta, kể cả gia đìnhcủa những thành phần giai cấp chịu ảnh hưởng tác động của nền văn hóa truyền thống Pháp thì vấnđề giáo dục trong gia đình vẫn được chăm sóc đến mặt đạo đức, nhân cách conngười theo những giá trị truyền thống lịch sử, nêu cao ý thức đoàn kết, tương hỗ, tráchnhiệm so với quyền lợi của gia đình, gia tộc, hội đồng ” lá lành đùm lá rách nát “, tôntrọng nhân nghĩa, độc lập, tự do mà cốt lõi là ý thức yêu nước, căm thù lũ bánnước và cướp nước. Giáo Dục Gia Đình Và Nhân Cách Con Người Nước Ta Trong 30 NămChiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc Và Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã H – Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công xuất sắc là bước ngoặt lịch sử vẻ vang của sựphát triển xã hội Nước Ta. Song, do thủ đoạn xâm lược của đế quốc Pháp và đếquốc Mỹ, nhân dân ta đã trải qua 30 năm cuộc chiến tranh vô cùng quyết liệt, ác liệt, đã phải chịu biết bao mất mát hi sinh. Nhưng nhân cách con người Việt Namvẫn sáng chói, rạng rỡ bộc lộ thực chất nhân văn, chính nghĩa ” không có gì quíhơn độc lập tự do ” của dân tộc bản địa, của Tổ quốc đã làm cho trái đất văn minh khắpbốn biển năm châu hết lòng khâm phục. Thắng lợi đó đã chứng tỏ cho sự kếthợp thống nhất, ngặt nghèo giữa tiềm năng giáo dục của gia đình với tiềm năng giáodục của xã hội, giữa quyền lợi của cá thể với quyền lợi tập thể. + Suốt trong 30 năm cuộc chiến tranh, gia đình vẫn là đơn vị chức năng kinh tế tài chính, xã hội cơ bản, họ phải tự nuôi mình, lại còn phải cung ứng lương thực nuôi quân, nuôi cán bộ, góp phần sức người, sức của cho tiền tuyến. Phụ nữ vẫn phải lo sinh đẻ, nuôicon, giảng dạy thế hệ trẻ, chăm nom người già, gánh vác mọi việc làm ở hậuphương … + Gia đình, giáo dục gia đình phối hợp thống nhất với giáo dục của xã hội đã hunđúc, rèn luyện nên nhân cách người chiến sỹ cách mạng, anh bộ đội cụ Hồ, hisinh tổng thể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc bản địa, động viên lòng yêu nước của cácthành viên gia đình già, trẻ, trai, gái … Chuẩn mực, nhân cách tiêu biểu vượt trội nhất củaChủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của những giá trị truyền thống lịch sử và những phẩmchất cách mạng của người Nước Ta trong thời đại lịch sử dân tộc mới. · Vì lý tưởng độc lập, tự do, niềm hạnh phúc của dân tộc bản địa. · Anh hùng, quật cường, vượt qua mọi gian nan, thực thi tiềm năng của sự nghiệpcách mạng. · Nhìn xa, trông rộng, thư thả, nhã nhặn, giản dị và đơn giản, cần, kiệm, liêm, chính. · Nhân đạo, vì người thương người. · Tôn trọng đạo đức, quý mến năng lực. – Sau khi Nam Bắc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo xu hướngbao cấp, dựa trên nền tảng công hữu toàn dân ( toàn dân và tập thể ). + Vai trò của gia đình là phối hợp với xã hội nhằm mục đích hình thành mẫu nhân cáchcon người toàn tâm toàn ý Giao hàng quyền lợi chung của xã hội ” mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người “, vẫn thuận chiều với nhu yếu chính sách quản lí của xã hội. + Song chính sách bao cấp đã dẫn đến sự khủng hoảng cục bộ nền kinh tế tài chính xã hội ngàycàng trầm trọng làm cho gia đình và cá thể phải bó tay chịu thiếu thốn, nghèonàn về cả mặt vật chất và ý thức. – Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra đường lối cách mạng đổimới tổng lực, nhằm mục đích kiến thiết xây dựng quốc gia theo xu thế XHCN với nền kinh tếnhiều thành phần, có sự điều tiết của Nhà nước để làm cho dân giàu, nướcmạnh, gia đình và cá thể phát huy hết năng lực độc lập, phát minh sáng tạo ; nâng caođời sống vật chất và niềm tin cho bản thân, góp thêm phần phồn vinh thịnh vượngcho đất nướcGia Đình Và Nghĩa Vụ Giáo Dục Người Công Dân Chân ChínhTrong Thời Đại Hiện Nay1. Gia đình và giáo dục gia đình trong sự nghiệp thay đổi của đấtnước lúc bấy giờ. – Kể từ năm 1986 đến nay, với chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển nềnkinh tế từ chính sách bao cấp sang nền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trường, chấp nhậnsự cạnh tranh đối đầu, gật đầu sự phân hóa giàu nghèo đã làm cho quốc gia nóichung, gia đình nói riêng có những biến hóa can đảm và mạnh mẽ : + Cấu trúc gia đình ít nhân khẩu, ít thế hệ ( gia đình hạt nhân ) ngày càng phổbiến, tuổi thọ của người già ngày càng tăng ở trong gia đình, tính phong phú, nhiều chiều của cá thể trong gia đình cũng rất là phong phú và đa dạng. + Rất ít gia đình có sự như nhau về nghề nghiệp. Kể cả ở nông thôn cũngkhông còn mấy gia đình thuần túy chỉ một nghề nông nghiệp. + Tính đa dạng chủng loại, cơ động về nghề nghiệp trong gia đình theo sự điều tiết củacơ chế thị trường đã tạo nên sự ngày càng tăng và thu nhập chênh lệch khác nhau, độclập với nhau của những thành viên trong gia đình. – Nền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trường rõ ràng đã tạo điều kiện kèm theo cho lực lượng sảnxuất tăng trưởng, loại sản phẩm xã hội ngày càng nhiều, cơ sở vật chất hạ tầng đượccủng cố, vững mạnh nhanh gọn, những mặt văn hóa truyền thống, giáo dục, khoa học kĩthuật … được lan rộng ra và nâng cao. Song do quy luật cạnh tranh đối đầu của nhiềuthành phần kinh tế tài chính trong cơ chế thị trường đã làm cho vị trí, sức mạnh của đồngtiền ” là tiên là phật ” chi phối hầu hết những hoạt động giải trí trong đời sống làm phát sinh, tăng trưởng nhanh gọn nhiều tệ nạn xã hội đến mức trầm trọng, đáng quan ngại, báo hiệu một sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, đặc biệt quan trọng là so với thế hệ thanh thiếuniên. + Một bộ phận thanh thiếu niên đã xuất hiện trong những tệ nạn nguy hại : trộm cắp, cờ bạc, mại dâm, giết người, nghiện ma túy … có rủi ro tiềm ẩn lan nhanh vào cả nhàtrường. + Nhưng, suy cho cùng, ai đó dù ở lứa tuổi còn niên thiếu, hay đã trưởng thànhlỡ sa chân vào vũng lầy của tệ nạn xã hội, đánh mất những phẩm chất đạo đứcvốn có của con người đều phải bước qua ngưỡng cửa của gia đình. – Vì vậy, bất luận trong điều kiện kèm theo, thực trạng nào, gia đình và trước hết là giađình phải trực tiếp gánh chịu hiệu quả tốt đẹp hay hư hỏng về sự hình thành vàphát triển nhân cách của con cháu mình. 2. Những khó khăn vất vả cơ bản so với yếu tố giáo dục gia đình lúc bấy giờ. Một điều cần thừa nhận là nền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trường đã cởi trói cho giađình và xã hội tự do cạnh tranh đối đầu tăng trưởng ngành nghề, nâng cao thu nhập toàndân, cải tổ một bước với đời sống vật chất và niềm tin cho mọi người. Song, nó cũng thể hiện ra những mặt xấu đi đến quy trình hình thành và phát triểnnhân cách con người theo xu thế xã hội chủ nghĩa, trước hết là so với vấnđề giáo dục gia đình. 2.1. Trong nhiều gia đình, công dụng kinh tế tài chính đã hấp dẫn quá nhiều công sứccủa đôi vợ chồng, có khi cả con cháu, ông bà già vào việc sản xuất kinh doanh thương mại, ảnh hưởng tác động đến việc chăm nom những thành viên trong gia đình về mặt tâm ý tìnhcảm, cũng như việc học tập, giáo dục của trẻ. Nhiều gia đình đã sống trong bầukhông khí nặng nề khi làm ăn thua lỗ, nợ nần, phá sản, thậm chí còn phải tan vỡ. 2.2. Môi trường xã hội bao quanh gia đình và nhà trường bị ô nhiễm trầm trọngtrên nhiều bình diện : Các luồng văn hóa truyền thống dâm ô, kích dục, đấm đá bạo lực … từ nướcngoài đã len lỏi vào trong nhiều những tầng lớp dân cư ở thành phố và nông thôn. Cáctệ nạn xã hội như tham nhũng, mại dâm, tham lam quyền lực tối cao v.v … từ quanđiểm, hành vi sùng bái ” đồng xu tiền là tiên là phật ” đã làm đảo lộn nhiều giá trịnhân văn vốn có từ xưa trong nếp sống gia đình. 2.3. Điều kiện kinh tế tài chính vật chất của đại bộ phận gia đình ở nông thôn và thành thịkhông theo kịp tần suất tăng trưởng của xã hội đã tạo ra xích míc thường xuyêngiữa sự tăng cường về mọi mặt mang tính xã hội và năng lực thích ứng có hạn củatừng gia đình, từng cá thể. 2.4. Trình độ học vấn, kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp và nhiều mặt khác của hầu hết cácbậc cha mẹ không còn cung ứng được cho con cháu theo nhu yếu của việc giáodục con người của xã hội mới. Gia đình đó phải chuyển giao một số ít chức năngvốn dĩ trước kia hoàn toàn có thể thực thi trong gia đình thì lúc bấy giờ phải nhờ đến những cơquan xã hội. Do đó, gia đình không có điều kiện kèm theo liên tục theo dõi, giámsát, trợ giúp những em. 2.5. Nền văn minh công nghiệp nói chung, nền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trườngnói riêng đã tác động ảnh hưởng can đảm và mạnh mẽ làm cho vận tốc tăng trưởng tâm sinh lý của trẻ rấtnhanh, có khi đột biến, không bình thường trong khi đó ý niệm, nội dung, phươngpháp giáo dục của những bậc cha mẹ chưa đổi khác, hoặc là đổi khác chưa phùhợp, thậm chí còn hoàn toàn có thể trọn vẹn trái ngược với những trường hợp giáo dục, có khiđã gây nên xung đột, dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong gia đình. 2.6. Sự mất không thay đổi trong đời sống gia đình như li hôn, có cha mẹ, người thânnghiện hút, cờ bạc, tiền án, tiền sự, hoặc thiếu gương mẫu của cha mẹ tronglàm ăn, sinh sống như buôn gian, bán lận, lừa đảo … cũng đã tác động ảnh hưởng tiêu cựcrất can đảm và mạnh mẽ đến con cháu làm cho chúng chán nản, tuyệt vọng phải rời bỏ môitrường gia đình. 2.7. Một số gia đình đang có điều kiện kèm theo kinh tế tài chính khá đầy đủ, khá giả, nhưng họ thiếuquan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm giáo dục, phó mặc cho nhà trường, thả lỏng cho cácem tự tăng trưởng trong thiên nhiên và môi trường xã hội bao quanh, đường phố, bạn hữu và cácphương tiện thông tin đại chúng. Cha mẹ chỉ quan tâm cho con ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi, thỏa mãn nhu cầu nhu yếu, yêu sách của chúng. 2.8. Tình trạng thiếu việc làm lúc bấy giờ ở nông thôn và sự chênh lệch đời sốnggiữa nông thôn và thành thị cũng làm cho 1 số ít thanh thiếu niên con gia đìnhnghèo bỏ gia đình ở nông thôn ra thành thị kiếm sống trở thành trẻ nhỏ langthang mà gia đình không hề quản trị được. 3. Mục tiêu và nghĩa vụ và trách nhiệm giáo dục gia đình lúc bấy giờ. Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, văn minh hóa quốc gia đang yên cầu sựnghiệp giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục gia đình cung ứng cho xã hộinhững nhà hoạt động giải trí chính trị sáng suốt, nhạy cảm, hết lòng vì quốc gia, nhândân ; những nhà doanh nghiệp và quản trị giỏi ; những nhà khoa học có tư duysắc bén, phát minh sáng tạo ; những nghệ sĩ văn hóa truyền thống tài ba ; những người lao động có taynghề cao. Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TW Đảng tháng 4 – 1993 đã khẳngđịnh lại một lần nữa ” Những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định hành động của nhân tốcon người – chủ thể của mọi phát minh sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa truyền thống, mọi nền văn minh của những vương quốc … Hướng tu dưỡng và phát huy nhân tốcon người Nước Ta và không ngừng ngày càng tăng tính tự giác, năng động, tự chủ, phát huy sức mạnh bên trong của mỗi cá thể, tích hợp với sức mạnh của cảcộng đồng-con người tăng trưởng cao về trí tuệ, cường tráng về sức khỏe thể chất, phongphú về niềm tin, trong sáng về đạo đức là động lực của sự nghiệp thiết kế xây dựng xãhội mới, đồng thời là tiềm năng của chủ nghĩa xã hội “. – Về tiềm năng giáo dục gia đình, qua hiệu quả khảo sát so với những gia đình ở mộtsố địa phương thuộc nội, ngoài thành phố TP. Hà Nội và một số ít tỉnh khác được thể hiệncụ thể như sau : + Ở phần đông gia đình công nhân, nông dân là tạo cho con một nghề ( khôngnhất thiết là nghề truyền thống cuội nguồn của gia đình ) có thu nhập không thay đổi để đảm bảocho đời sống lâu dài hơn về sau. + Các gia đình tri thức, viên chức thường lo ngại hơn, chú ý quan tâm hơn cho con cháu cótrình độ học vấn cao, nghề nghiệp kĩ thuật với thu nhập cao, có vị thế xã hộitương đối. Mặc dù sống trong điều kiện kèm theo của cơ chế thị trường phải cạnh tranh đối đầu để sống sót vàphát triển, nhưng hầu hết những loại gia đình đều mong ước giáo dục con sốnglương thiện, làm giàu một cách chính đáng, thiết kế xây dựng mái ấm gia đình, ăn ở hòathuận với bà con, họ hàng, làng xóm. – Về xu thế chung của việc giáo dục con cháu, hiệu quả khảo sát cho thấy : + Giá trị đạo đức tập trung chuyên sâu vào hiếu thảo so với gia đình ( chiếm 93 % ) được đặtvào vị trí cao nhất. + Nghề nghiệp trình độ không thay đổi, đủ ăn tiêu ( chiếm 73 % ). + Có trình độ học vấn cao, thu nhập cao ( 58 % ). + Hai giá trị xếp ở vị trí thấp là có nhiều tiền, có vị thế xã hội ( chiếm 27 % ). – Về nội dung giáo dục trong gia đình. + Nội dung giáo dục gia đình hướng vào giáo dục đạo đức là số 1 : 95 %, giáodục nghề nghiệp : 68 % ; giáo dục học vấn cao : 31 %. + Ngoài nội dung giáo dục đạo đức, đại bộ phận những thành phần gia đình đềuquan tâm, lo ngại giáo dục nghề nghiệp, tạo cho con cháu có công ăn việc làm, không phải sa vào con đường thất nghiệp dẫn đến những tệ nạn xã hội. + Còn trình độ học vấn cao vẫn là điều tốt, nhưng do điều kiện kèm theo, thực trạng, khảnăng của số đông gia đình không phân phối được cho con cháu, mặt khác thực tếcho thấy rằng không phải có trình độ học vấn, văn hóa truyền thống cao là có công ăn việclàm, là có thu nhập cao, là làm giàu được. Nó là điều kiện kèm theo quan trọng nhưngkhông phải tiên quyết. Như vậy tiềm năng và nghĩa vụ và trách nhiệm giáo dục của gia đình là hướng tới con người cóđạo đức, có nghề nghiệp, biết làm kinh tế tài chính dựa trên một trình độ học vấn nhấtđịnh. – Quan niệm về gia đình niềm hạnh phúc. Tìm hiểu ý niệm thế nào là một gia đìnhhạnh phúc cũng rất quan trọng, vì trên cơ sở đó mà những bậc cha mẹ định hướnggiáo dục cho con cháu. Kết quả khảo sát trong thực tiễn cho thấy : + Nhóm chỉ báo đứng thứ nhất là vợ chồng hòa thuận yêu thương nhau : 92 %. + Nhóm chỉ báo đứng thứ hai là con cháu ngoan ngoãn, vâng lời : 83 %, học tậpgiỏi hoặc hoàn toàn có thể trung bình. Nhà nào con cháu ngoan ngoãn, vâng lời là điều sungsướng, tự hào ; nhà nào con cháu hư hỏng thì gia đình coi đó là nỗi xấu số lớn. + Nhóm chỉ báo kinh tế tài chính đứng thứ ba : 85 % cho rằng một gia đình niềm hạnh phúc tứclà vợ chồng có công ăn việc làm, đời sống không thay đổi đủ ăn, đủ tiêu. Sự giàu cókhông phải là yếu tố cơ bản quyết định hành động niềm hạnh phúc gia đình, trong nhiều trườnghợp hoàn toàn có thể là nguyên do của những thảm kịch trong gia đình. – Chúng ta cũng thấy rằng, gia đình lúc bấy giờ đang nằm trong sự quản lý và vận hành củanền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng đối cực. Nền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trường yên cầu con người phải năng động, tháo vátđể sống sót và tăng trưởng. Vì vậy, trong trong thực tiễn đời sống lúc bấy giờ đã Open mộtlớp người đặc biệt quan trọng là gia đình trẻ mong ước làm giàu, có thu nhập cao nhằmthỏa mãn trọn vẹn đời sống vật chất và niềm tin cho cá thể và gia đình. Họchủ động đi vào làm ăn, tranh thủ mọi thời cơ, học hỏi kinh nghiệm tay nghề v.v … khôngrập khuôn sáo cũ, cạnh tranh đối đầu kinh khủng, đương đầu với mọi thách đố, quyết tâmđạt mục tiêu làm giàu. Đây là hiện tượng kỳ lạ tích cực góp thêm phần làm cho gia đìnhthịnh vượng, quốc gia giàu mạnh. Song, cũng chính trong những gia đình nàyđã phát sinh nhiều hiện tượng kỳ lạ xấu đi khi quá tôn sùng giá trị đồng xu tiền đã ảnhhưởng đến hiệu quả giáo dục con em của mình họ. – Rõ ràng, giáo dục gia đình đang đứng trước những thách đố mới : một mặt, cần phải giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong nhân cách truyền thống cuội nguồn ; mặt khác cần phải biết đảm nhiệm, thích ứng với nhu yếu tăng trưởng khách quancủa xã hội mới quản lý và vận hành nền kinh tế tài chính theo cơ chế thị trường. Vì vậy, hiện naynhiều bậc cha mẹ đang lúng túng trong nội dung, giải pháp giáo dục đối vớicác lứa tuổi khác nhau trong gia đình. Hiểu được sự đổi khác của gia đình Nước Ta, vai trò của nó trong sự hình thànhnhân cách con người, bước thăng trầm của nó qua 2 thế kỷ sống sót và phát triểncủa quốc gia và dân tộc bản địa là một yếu tố rất là quan trọng, rất là thiết yếu bởivì quá khứ, hiện tại và tương lai có mối quan hệ biện chứng không tách rờinhau. Vai trò của gia đình trong công dụng xã hội hóa nhân cách con người Việt Namnói chung, giáo dục trẻ trong gia đình nói riêng lúc bấy giờ là sự thừa kế, phát triểnnhững giá trị truyền thống lịch sử tốt đẹp và tinh lọc tiếp đón những giá trị tư tưởngtiên tiến, tân tiến của nền văn minh hậu công nghiệp. Nhận thức không thiếu, sâusắc sự tích hợp hài hòa đó để thực thi tiềm năng và nghĩa vụ và trách nhiệm giáo dục gia đìnhtrong quy trình hình thành, tăng trưởng nhân cách người công dân chân chính làđiều có ý nghĩa rất là quan trọng so với những bậc cha mẹ, so với chức nănggiáo dục gia đình trong thời đại hiện nayCâu Hỏi Hướng Dẫn Học TậpCâu 1. Phân tích 1 số ít định nghĩa về gia đình. Tìm những tín hiệu chung nhấtcho một khái niệm gia đình tương đối hoàn hảo theo ý niệm của anh, chị. Câu 2. Phân tích những công dụng cơ bản của gia đình. Vai trò và ý nghĩa của cácchức năng đó trong xã hội lúc bấy giờ. Câu 3. Gia đình Nước Ta đã trải qua những quy trình tiến độ lịch sử vẻ vang nào ? đặc trưngcủa yếu tố giáo dục gia đình trong từng quá trình. Chỉ ra những giá trị giáo dụctruyền thống cần phải duy trì tăng trưởng. Câu 4. Những khó khăn vất vả cơ bản so với yếu tố giáo dục gia đình lúc bấy giờ ? Từnhững yếu tố trên đặt ra cho những bậc cha mẹ cần nhận thức được điều gì tronggiáo dục gia đình ? Chương II : Giáo Dục Trong Gia đìnhVề Những Điều Kiện Cần Thiết Cho Giáo Dục Trong Gia ĐìnhKhi đề cập đến những điều kiện kèm theo thiết yếu cho sự giáo dục đúng đắn, thuận tiệntrong gia đình, những nhà nghiên cứu đã nêu ra những quan điểm khác nhau khôngthống nhất với nhau về số lượng, nhưng trùng hợp với nhau về một số ít điều kiệncơ bản. Chẳng hạn, theo hiệu quả nghiên cứu và điều tra của giáo viên và sinh viên trườngĐại học sư phạm mang tên A.A. Culesốp ở thành phố Môghilốp ( Liên Xô cũ ) thìphải xuất hiện 25 yếu tố trong gia đình thì đó mới là điều kiện kèm theo lý tưởng thuận lợicho giáo dục gia đình. Đó là những yếu tố : thu nhập gia đình rất đầy đủ, quan hệ giữacha mẹ thủy chung, cha mẹ có trình độ văn hoá đạt nhu yếu, gia đình có khôngkhí yêu quý quý trọng lao động, v.v … – Trong trong thực tiễn, rất khan hiếm những gia đình hội đủ những yếu tố cơ bản, nếu cóđầy đủ những yếu tố cơ bản cũng chỉ là điều kiện kèm theo thuận tiện cho việc giáo dục trẻ ởtrong gia đình chứ không phải là điều kiện kèm theo tiên quyết cho một sự tăng trưởng nhâncách tuyệt vời và hoàn hảo nhất của trẻ. Bởi vì : + Giáo dục gia đình là một hoạt động giải trí vô cùng tinh xảo, là sự quy tụ của toàn bộsức mạnh truyền cảm, đồng cảm giữa cha mẹ và con cháu. Kết quả giáo dục trẻ ởtrong gia đình không nhờ vào nhiều vào những điều kiện kèm theo vật chất kinh tế tài chính, mà cókhi chịu tác động ảnh hưởng thâm thúy của những yếu tố tình cảm ý thức khác. + Lịch sử tăng trưởng gia đình qua những thời đại khác nhau đã cho thấy rằng, biếtbao nhiêu vĩ nhân lỗi lạc, anh hùng xuất chúng đã xuất thân trong những giađình nghèo nàn, thiếu thốn mọi điều kiện kèm theo kể cả cơm ăn, áo mặc. Ngược lại, nhiều gia đình phong phú ” tiền dư gạo mục ” giáo dục con cháu trong gia đình lại gặpnhững thất bại đắng cay. – Vì vậy, giáo dục gia đình là một khoa học mang ý nghĩa thời sự, luôn luôn nảysinh nhiều điều mới mẻ và lạ mắt, lý thú yên cầu phải điều tra và nghiên cứu, lý giải như nhiều nhàkhoa học đã nêu lên : + Theo nhà giáo dục lỗi lạc A.X. Macarenkô thì ” Giáo dục là một quy trình xã hộitheo ý nghĩa thoáng rộng nhất. Tất cả đều tham gia vào giáo dục : con người, vật phẩm, hiện tượng kỳ lạ. Nhưng thứ nhất và quan trọng hơn cả là con người và trong số đóvị trí số 1 là cha mẹ và những nhà sư phạm “. + Nhà giáo – anh hùng Liên Xô cũ V.A. Xukhômlinxki cũng khẳng định chắc chắn ” Conngười trong sự tăng trưởng về đạo đức của mình sẽ trở nên giống như người mẹ, hay nói đúng hơn giống như sự hài hoà giữa tình yêu và ý chí trong quốc tế tinhthần của người mẹ “. + Hoặc theo P.E. Becgônxki thì Kết luận : ” Tội lỗi và công lao của trẻ phần lớnthuộc về trí tuệ và lương tâm của cha mẹ chúng “, hoặc ” Đức tính chín chắn củangười cha là sự răn dạy có công dụng nhất so với đứa trẻ ” ( * ). – Rõ ràng đời sống kinh tế vật chất, tiện lợi sử dụng là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là điều kiện kèm theo tiên quyết, duy nhất cho tác dụng giáo dục trẻtrong gia đình. Những Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Giáo Dục Gia Đình1. Xây dựng không khí gia đình ấm cúng được coi là một nguyên tắc quantrọng trong giáo dục gia đình. – Không khí gia đình là những nét đặc trưng bao trùm lên đời sống của mọithành viên tạo nên ảnh hưởng tác động tích cực ( thuận tiện ) hay xấu đi ( khó khăn vất vả ) trongquá trình hình thành và tăng trưởng nhân cách của mọi cá thể trong gia đình. – Không khí gia đình dù có ý nghĩa rộng hơn tâm ý gia đình nhưng nó cũngphản ánh đa phần lên hàng loạt những sắc thái tâm ý, tình cảm, đạo đức, hànhđộng, xu thế … chung của mọi thành viên trong gia đình. Vì vậy, người tathường nhận xét rằng : gia đình ông A có không khí rất hoà thuận ; gia đình bà Bsống trong không khí gia đình lục đục ; gia đình anh C có không khí lao động rấtsôi nổi, v.v … – Bầu không khí gia đình thường có những đặc thù sau : + Không khí gia đình thường thuận tiện cải tổ, biến hóa cùng với sự thay đổicác sự kiện lớn xảy ra trong gia đình hoặc là những đổi khác lớn của xã hội tácđộng vào. + Không khí gia đình thường được hình thành và tăng trưởng tuỳ thuộc phần lớnvào quan hệ, uy tín của cha mẹ trong gia đình. + Không khí gia đình được duy trì và củng cố còn nhờ vào nhiều vào nhữngtruyền thống, nếp sống trong gia đình như truyền thống lịch sử nghề nghiệp, truyềnthống yêu thương đoàn kết. + Không khí gia đình thường tạo nên tâm thế, nhu yếu, hoạt động giải trí của những thànhviên trong gia đình. Không khí gia đình hoà thuận thì mọi thành viên mừng thầm, vui tươi, tin yêu, yêu thương quý mến lẫn nhau, thống nhất với nhau trong mọihoạt động theo năng lực, sức lực lao động của mình … tạo nên khunh hướng thuận tiệncho quy trình tăng trưởng nhân cách. Không khí gia đình lục đục thì đời sống mỗithành viên sẽ cảm thấy nặng nề, buồn chán, không kết nối thiết tha tương trợđược cho nhau trong quy trình hoạt động giải trí, học tập, rèn luyện cá thể. 2. Cần phải tôn trong nhân cách của trẻ. – Con cái chưa đến tuổi trưởng thành phải sống nhờ vào vào cha mẹ là lẽđương nhiên. Nhưng không thế cho nên mà cha mẹ lại vận dụng cái quyền ” đặt đâungồi đấy ” tước bỏ những quyền hạn chính đáng của trẻ. – Các bậc cha mẹ phải liên tục chăm sóc rằng trẻ nhỏ cũng có ” quyền trẻem “. + ” Quyền trẻ nhỏ ” giống như người lớn được ăn mặc, học tập, lao động, vui chơigiải trí, phát biểu quan điểm nguyện vọng của mình, thậm chí còn có những quyền nhiềuhơn người lớn như hoạt động, đi dạo do nhu yếu tăng trưởng khung hình sinh lý vàtâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên trong xã hội tân tiến – xã hội của nền văn minhcông nghiệp tin học đã làm phát sinh nhiều nhu yếu, hứng thú hoạt động giải trí của trẻmà trước đây ở tuổi cha, anh chưa thể có. + ” Quyền trẻ nhỏ ” không những ngày càng tăng trưởng đa dạng chủng loại, phong phú theosự trưởng thành của lứa tuổi mà còn nhờ vào vào sự tân tiến của xã hội. – Song, trẻ nhỏ là thế hệ đang sống phụ thuộc vào vào thế hệ người lớn, cho nênquyền ” trẻ nhỏ ” là bị nhờ vào trọn vẹn vào những khuôn khổ lớn, bé, rộng, hẹpdo cha mẹ qui định mỗi người một cách khác nhau, thậm chí còn có lúc người takhông chăm sóc thực thi ” quyền trẻ nhỏ ” bộc lộ ở những chiêu thức giáo dụccưỡng bức, áp đặt, thóa mạ, mắng mỏ, thậm chí còn cả đánh đập, … chèn ép, thủtiêu những nguyện vọng, nhu yếu chính đáng của chúng, tạo ra không ít nhữngtình huống gay cấn trong giáo dục gia đình. 3. Nghiêm khắc và khoan dung độ lượng. – Giúp đỡ con cháu trưởng thành về mặt tri thức khoa học, cha mẹ hoàn toàn có thể đónggóp được nhiều hay ít là tùy thuộc vào trình độ, năng lượng của mình, phần còn lạilà dựa vào mạng lưới hệ thống trường học có những thầy cô giáo chuyên ngành. Nhưngđối với việc giáo dục đạo đức thì cha mẹ giữ vai trò đa phần không ai có thểthay thế được. + Nói đến đạo đức là nói đến tình cảm giữa con người với con người, trước hếtlà tình cảm giữa con cháu và cha mẹ, giữa những người ruột thịt trong gia đình, sau đó lan rộng ra ra với hội đồng, dân tộc bản địa bộc lộ ngay trong hành vi, thóiquen, nếp sống, ý thức triển khai, tôn trọng những qui tắc, chuẩn mực của xã hội. + Nề nếp, thói quen kỷ luật tiên phong mà con người được tiếp xúc và chấp nhậnphải bắt nguồn từ trong nôi gia đình. Nhiều bậc vĩ nhân, anh hùng trên thế giớiđã khẳng định chắc chắn vai trò vô cùng to lớn của giáo dục gia đình, đặc biệt quan trọng so với
Source: https://sangtaotrongtamtay.vn
Category: Giáo dục