GIÁO TRÌNH PHÁP LUẬT CẠNH TRANH – Hevobooks

Lời nói đầu Sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu không chỉ cần có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, phù hợp để điều chỉnh các hoạt động kinh tế mới, mà còn phải có kiến thức cơ bản về những lĩnh vực pháp luật tương ứng. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh, dẫn đến nhu cầu thiết yếu trong việc trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức về chính sách và pháp luật cạnh tranh đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực có liên quan. Là một lĩnh vực pháp luật mới, kiến thức và khoa học về pháp luật cạnh tranh cần phải được nghiên cứu và phát triển phù hợp với chế độ kinh tế đặc thù trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Giáo trình “Pháp luật cạnh tranh” được biên soạn trước hết nhằm phục vụ chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Ngoại thương và cũng hy vọng là tài liệu phục vụ tốt việc trang bị kiến thức trong các trường đại học về kinh tế và pháp luật khác. Nó cũng góp phần hệ thống hóa và bổ sung vào kiến thức của hiện thời về chính sách, pháp luật cạnh tranh, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến điều kiện đặc thù của kinh tế thị trường Việt Nam. Ngoài ra, giáo trình cũng được kỳ vọng góp phần chuyển tải những kiến thức về chính sách và pháp luật cạnh tranh từ một số nước có nền kinh tế thị trường phát triển tiêu biểu nhất.Nếu cạnh tranh, chế độ sở hữu đa thành phần và quyền tự do ý chí của các chủ thể tham gia thị trường là ba trụ cột không thể thiếu của cơ chế kinh tế thị trường, thì pháp luật điều chỉnh hoạt động cạnh tranh cũng là điều kiện không thể thiếu cho việc vận hành cơ chế đó. Do xác lập những nguyên tắc cơ bản cho các hoạt động kinh tế, đạo luật về cạnh tranh đã thực sự trở thành một“hiến pháp” của nền kinh tế thị trường. Nếu thiếu pháp luật cạnh tranh, nền kinh tế không thể có chế độ cạnh tranh phù hợp và thị trường không thể vận hành theo đúng quy luật và chức năng của nó. Mặt khác, các nguy cơ cạnh tranh bằng những thủ đoạn xấu, bị bóp méo, bị cản trở,… không có cơ sở pháp lý để ngăn chặn sẽ phá vỡ những mục tiêu quan trọng của chính sách phát triển kinh tế thị trường. Pháp luật cạnh tranh cũng góp phần làm cho doanh nghiệp nhận thức đúng được hành vi, phương tiện cạnh tranh, qua đó có thể xây dựng được chiến lược cạnh tranh phù hợp, không vi phạm pháp luật. Xác định được tầm quan trọng của lĩnh vực pháp luật mới này, tháng 12 năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh với mục tiêu đáp ứng yêu cầu điều tiết các hoạt động cạnh tranh kinh tế ở nước ta. Việc ban hành Luật Cạnh tranh là một dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, điều tiết nền kinh tế thị trường trong kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đó phản ánh quá trình tiêu chuẩn hóa, hài hòa hóa của pháp luật Việt Nam với pháp luật của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, cũng là một trong những điều kiện để Việt Nam gia nhập và thực hiện tốt các cam kết trong WTO. Trong khuôn khổ một môn học thuộc chương trình đào tạo trình độ đại học, giáo trình không thể bao quát hết toàn bộ các vấn đề lý luận cạnh tranh, chính sách và pháp luật cạnh tranh cũng như thực tiễn hoạt động cạnh tranh hiện thời. Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh Việt Nam được thiết kế theo mô hình “2 trong 1”, nghĩa là bao gồm các quy định về chống hạn chế cạnh tranh và các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh, điều này cũng làm cho việc tiếp cận một cách thống nhất các vấn đề trong giáo trình trở nên khó khăn hơn, hơn nữa, Luật Cạnh tranh là một lĩnh vực pháp luật còn tương đối mới mẻ ở nước ta. Do đó, mặc dù tác giả đã biên soạn với sự nghiêm túc, cẩn trọng song chắc chắn giáo trình không thể tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc để giáo trình được hoàn thiện hơn trong các lần tái bản. Mọi góp ý xin gửi về Công ty CP Sách Đại học – Dạy nghề, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 25 Hàn Thuyên – Hà Nội. Xin trân trọng cảm ơn! PGS.TS. Tăng Văn Nghĩa

Các bài viết liên quan

Viết một bình luận