Bài 06: Thiên Chúa Duy Nhất | GIÁO PHẬN MỸ THO


GIÁO LÝ CÔNG GIÁO


LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

Bạn đang đọc: Bài 06: Thiên Chúa Duy Nhất | GIÁO PHẬN MỸ THO">Bài 06: Thiên Chúa Duy Nhất | GIÁO PHẬN MỸ THO

1. Mở đầu: (Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin)

2. Trình bày nội dung giáo lý: (Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn)

3. Một điểm thực hành: (Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn)

4. Cầu nguyện kết: (Cử hành Niềm Tin)


CHƯƠNG II: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO


Bài 06: THIÊN CHÚA DUY NHẤT

GLHTCG: 198-231; BTY: 36-43


“Nghe đây, hỡi Israel: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”

(Đnl 6,4-5).


1. Mở Đầu

Ä





Phút thánh hóa

Làm dấu: Nhân Danh Cha…; Hát kinh Chúa Thánh Thần…; Đọc thơ: Chúa tôi là Chúa muôn loài, Cầm quyền dưới đất, trên trời khắp nơi. Chúa tôi có một không hai, Trên trời dưới đất, chẳng ai sánh bằng.

Ä





Giới thiệu chủ đề – Thiên Chúa Duy Nhất

Câu chuyện chó sói và chó nhà: Con sói gầy đói rình mò gần bên làng và gặp ngay một chó nhà béo mập. Sói hỏi nó: Chó nhà này, anh hãy cho tôi biết, các anh lấy cái ăn ở đâu ra thế? – Con người cho chúng tôi. – Chắc là các anh giúp con người một công việc vất vả? – Không, chó nhà nói, công việc của chúng tôi đâu có vất vả gì. Nhiệm vụ của chúng tôi là đêm đêm canh giữ sân nhà thôi. – Thế đấy, chỉ có vậy thôi mà con người cũng nuôi các anh, chó sói nói, vậy thì tôi cũng sẵn sàng đi làm công việc của các anh ngay, chứ không Họ nhà sói chúng tôi khó kiếm cái ăn quá. – Thế thì đi làm đi, chó nhà bảo, Chủ nhà sẽ cho cả các anh ăn uống.


Sói mừng rỡ và cùng chó nhà đến phục vụ con người. Sói đã bước vào tới cổng nhà thì trông thấy lông cổ của chó nhà bị vết chà xát. Sói liền hỏi: Chó nhà ơi, vì sao chỗ này lại thế? Vậy thôi, chó nhà trả lời. Nhưng vậy thôi là thế nào? – Vậy thôi, vì cái xích mà. Ban ngày tôi bị xích phải ngồi một chỗ. – Thế thì chào anh nhé, Chó sói bảo, Tôi chẳng đến với người đâu. Thà tôi không được béo tốt nhưng tôi lựa chọn được sống bên ngoài thì hơn!

(Ngụ ngôn Aseop)

Câu chuyện chó sói và chó nhà, và lời thơ trên tuyên xưng vào một Thiên Chúa cho ta suy nghĩ thế nào? Khi ta đứng trước một chọn lựa, lời tuyên xưng ấy có ảnh hưởng gì đến ta?

?


Đúc kết


: Mỗi chúng ta sinh ra đều là người. Khi con người sống tự do cách mạnh mẽ đi trên con đường bảo vệ điều tốt của “Chủ nhân là Thiên Chúa”, hoặc suốt đời phải “lệ thuộc” vào bản năng của chính mình (điều xấu – như sói dữ). Đó là sự lựa chọn và là kết quả của việc dám đánh đổi cho sự lựa chọn ấy.



Có ai đã thể hiện sự chọn lựa như thế khi tin vào Thiên Chúa?

Các em đứng lên lắng nghe đoạn Lời Chúa: “1Ðức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12, 1-3)

Từ thành Ur đến thành Canana, Abraham phải đi hết hành trình dài 965 km. Nếu tổ phụ đi với đoàn lữ hành có ngựa, lừa, lạc đà.. chắc chắn mất nhiều tháng hoặc cả năm. Abraham đã tin vào Lời Chúa, tự nguyện nghe tiếng Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur để đến vùng đất mới xa lạ tại Canaan. Hành động này quả là sự chọn lựa chấp nhận một giao ước với Thiên Chúa. Abraham chọn tôn thờ Yahweh là Thiên Chúa Duy nhất của vũ trụ, và nhận lãnh phúc hạnh dư dật của Thiên Chúa cho đến đời đời.

Ä



Tóm lại nội dung chính:

Luôn kiên định trên con đường “tự chọn” theo Chúa để làm chủ chính mình trong sự công chính là bước đi đến “thành nhân”. Đối với chúng ta, làm sao để tin vững vàng như Abraham tin vào Thiên Chúa Duy nhất? chúng ta cần hiểu và xác tín về Thiên Chúa chúng ta.

Ä



Vấn đề cần giải quyết:

– Dân Do Thái chấp nhận Thiên Chúa duy nhất qua lịch sử cứu độ thế nào?

– Niềm tin ấy truyền lại theo hình thức nào? Qua giao ước? Mười điều răn?


2. Trình bày nội dung giáo lý


Ä




  Đặt vấn đề để các em đóng góp ý kiến thảo luận

Trong cuộc sống của em, ai thật sự có ý nghĩa “duy nhất” đối với em? Có phải cha mẹ của các em không? Cha mẹ đã làm gì cho em? Để biết Thiên Chúa Duy nhất có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Các em có biết đạo Do Thái đã chấp nhận một Thiên Chúa Duy nhất qua lịch sử của dân tộc họ thế nào không?



Câu chuyện Dân Híp-ri bị áp bức


(xem Xh 1, 8-22)


Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se. Vua nói với dân mình: “Này đám dân con cái Israel đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ. “Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; họ phải xây cho Pha-ra-ô các thành làm kho lương thực là Pi-thôm và Ram-xết. Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Israel.//  Vua Ai-cập nói với những bà đỡ đi giúp sản phụ Híp-ri: “Các người hãy xem đứa trẻ là trai hay gái. Nếu là trai thì giết đi, nếu là gái thì để cho sống.” Nhưng các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên không làm như vua Ai-cập đã truyền, và cứ để cho con trai sống. Pha-ra-ô ra lệnh cho toàn dân của mình: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin; mọi con gái thì để cho sống.”



Thiên Chúa nhớ tới dân Israel




(xem Xh 2, 23-25)


Sau những năm dài ấy, Con cái Israel rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp

.



Sứ mạng của ông Mô-sê


(xem Xh 3, 7-12)


Ðức Chúa phán với Mô-sê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-cập.”



Mặc khải danh Thiên Chúa


(xem Xh 3, 13-15)


Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Ðấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Ðấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: “Ðấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: Ðức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

          Các em có những suy nghĩ gì về các trình thuật trên? Dân Israel bị áp bức thế nào? Tại sao Thiên Chúa nhớ đến dân? Sứ mạng của Môsê gắp liền với ai? Có phải Môsê chỉ dùng sức của chính mình để hoàn thành sứ mạng? Danh Thiên Chúa gắp liền với điều gì?   


?



Đúc kết


: Dân Do Thái tin vào Thiên Chúa Duy nhất, Đấng luôn yêu thương, trung tín với lời đã hứa, Đấng Hằng Sống giải thoát dân và đem dân vào vùng đất tự do. Niềm tin này là một tiến trình Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân Ngài. Các trình thuật trên là những dấu chứng chắc chắn cho thấy chọn lựa của Abraham là đúng đắn. Abraham đã luôn kiên định trên con đường “tự chọn” theo Chúa và Ông đã lãnh phần phúc, trở thành người thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa, Abraham xứng danh là tổ phụ của dân Israel, một người “cha của những kẻ tin” vào Thiên Chúa Duy Nhất.


Ä


 

Đặt vấn đề để các em đóng góp ý kiến thảo luận

Khi em thấy Cha mẹ như là người bảo trợ và yêu thương em nhất thì em phải làm gì? Người ta nói Ông Bà đã để lại cho ta ba chữ: “Nhân – Nghĩa – Trí” và nói rằng: “Đi Khắp Thế Gian Không Ai Sánh Bằng Mẹ; Gian Khổ Cuộc Đời Ai Nặng Gánh Bằng Cha”, điều này đã truyền lại cho em thế nào? Cha Mẹ đã phải kiên định giữ điều gì với nhau trong cuộc sống để em tin vào câu nói ấy? 


?







Đúc kết


: Em phải đáp lại lòng thương yêu của cha mẹ. Ông bà chúng ta đã để lại tấm gương của lòng trung thành với nhau để xây đắp cho con cháu. Đó là một giao ước sống trọn đời với nhau để sinh sản và giáo dục con cái và giữ tình yêu tôn trọng nhau suốt đời. Niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất cũng được truyền lại theo một cách thế như vậy.



Chỉ thị về sứ mạng của ông Mô-sê


(xem Xh 3, 16-20)


Ngươi hãy đi triệu tập các kỳ mục Israel đến cùng vua Ai-cập, các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng: Ðức Chúa, Thiên Chúa của người Híp-ri, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi. Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp. Ta sẽ ra tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho các ngươi đi.

Các tai ương xảy ra ở Ai-cập (xem Xh 7-11): Cây gậy biến thành con rắn, (1) Nước biến thành máu, (2) Ếch nhái, (3) Muỗi, (4) Ruồi nhặng, (5) Ôn dịch, (6) Ung nhọt, (7) Mưa đá; (8) Châu chấu; (9) Cảnh tối tăm; (10) Các con đầu lòng người Ai-cập phải chết.



Dân Israel ra đi


(xem Xh 13, 17-21)


Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Họ nhổ trại rời Xúc-cốt tới đóng trại ở Ê-tham, ven sa mạc. Ðức Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy.



Thiên Chúa hứa ban giao ước


(xem Xh 19, 3-8)


Từ trên núi, Ðức Chúa gọi ông và phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Ðó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel.” Ông Mô-sê về triệu tập các kỳ mục trong dân, trình bày cho họ biết tất cả những lời Ðức Chúa đã truyền cho ông. Toàn dân nhất trí đáp lại: “Mọi điều Ðức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo.”



Mười điều răn


(xem Xh 20, 1-17), (xem Ðnl 5, 1-33)


Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: “Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh.


Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

Các em có suy nghĩ gì về các trình thuật trên? Sứ mạng của Môsê là gì, nói với ai? nói điều gì? Thiên Chúa thực hiện một giao ước thế nào? Giao ước đó là gì? Thiên Chúa truyền cho dân điều gì để giữ giao ước? Dân Israel được hưởng điều gì?


?







Đúc kết


: Thiên Chúa Duy nhất đã kiên định giữ vững lời hứa cứu thoát dân, đem dân đến sự tự do. Chúa ta là Chúa muôn loài, cầm quyền dưới đất, trên trời khắp nơi. Chúa ta có một không hai, trên trời dưới đất không ai sánh bằng. Thiên Chúa mong ước con người luôn ở trong vòng tay yêu thương của Ngài. Ngài thực hiện một giao ước với Dân Israel và từ đó với chúng ta cũng là con dân của Ngài. Chúng ta phải biết sống yêu thương nhau và biết tôn thờ Thiên Chúa để được hưởng một sự tự do trong sự công chính và thánh thiện.

Ä



Cầu nguyện giữa giờ

Khi con tuyên xưng “Tôi tin kính Đức Chúa Trời”, con không hiểu hết Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất của đời con. Thế nhưng Ngài vẫn âm thầm trung thành thực hiện giao ước với chúng con qua tình yêu thương của Cha mẹ đối với chúng con, và đặc biệt qua Hội thánh của Ngài với chúng con. Giờ đây, chúng con hiểu rằng, khi chúng con biết chọn Chúa và sống theo luật “giới răn” của Chúa, chúng con mới thật sự là con dân của Chúa, mới thật sự được bước đi cách tự do trong đường công chính và thánh thiện của Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con xác tín vững vàng Chúa là Thiên Chúa Duy Nhất của đời con, xin giúp chúng con luôn tuân giữ giao ước với Chúa luôn. Như thế, chúng con mới thật sự là một người bạn, một anh hùng của Chúa. Amen.


3. Một điểm thực hành


Ä









Sinh hoạt giáo lý


Trò chơi

“Tôi xin giao ước”

Luật chơi: Lớp/tổ đứng vòng tròn, mỗi người khi có bóng sẽ nói một giao ước với Thiên Chúa hoặc với bạn mình.

Ví dụ: Tôi xin giao ước học Kinh Thánh mỗi ngày một câu, hoặc tôi xin giao ước không đi lễ trễ, hoặc tôi xin giao ước không nói chuyện riêng trong thánh lễ và trong lớp học giáo lý… tôi xin giao ước không làm buồn lòng bạn, tôi xin giao ước giúp bạn làm việc… Tôi xin giao ước… (lấy trong 10 điều răn, thương người có 14 mối, cải tội bảy mối có bảy đức, tám mối phúc thật, các kinh đọc hằng ngày…)…. Nghĩa là tùy vào từng em giao ước để khắc phục điểm yếu hay phát huy điểm mạnh của mình để sống vươn lên. Sau khi nói xong câu giao ước sẽ tung bóng cho người khác, lưu ý không tung bóng cho 1 người 2 lần.

– Giáo lý viên (GLV) chia tổ và lần lượt mời đại diện tổ lên trình bày giao ước của tổ để giúp các em tham gia bình luận về các giao ước của các em. Bản giao ước sẽ viết lên giấy và dán lên bảng, đại diện tổ sẽ trình bày. GLV hỏi ý kiến các tổ viên có thêm ý kiến gì không? Sau khi trình bày, GLV kết luận.

Ä



Một điểm ý thức trong thực hành

– Ý thức về mình trong tương quan với Thiên Chúa hơn. Khi chọn lựa làm một việc gì là thực hành một giao ước với Chúa và anh chị em của mình và cũng là thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa Duy Nhất. Ngài luôn yêu thương ta, hãy gọi tên Ngài cách thân tình.


Ä





Bài học ghi nhớ

31. H. Khi tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất ta phải hiểu thế nào?

T. Ta phải hiểu: chỉ có một Thiên Chúa và ngoài Người ra, không có Thiên Chúa nào khác, và ta phải thờ phượng một mình Người mà thôi (x. Mt 4,10).

32. H. Tại sao bản tuyên xưng đức tin bắt đầu bằng câu: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời”?

T. Vì đó là điều quan trọng nhất. Lời tuyên xưng này là nền tảng của mọi niềm tin khác và chi phối toàn bộ cuộc sống của người tin vào Thiên Chúa.

33. H. Tại sao Thiên Chúa mạc khải cho ta Danh xưng của Ngài?

T. Vì Ngài không phải là một sức mạnh vô danh, nhưng muốn tỏ cho ta yếu tính và ý nghĩa Danh Ngài; nhờ đó ta có thể tiếp xúc, hiểu biết và gọi tên Ngài cách thân tình. Thiên Chúa mạc khải với Môsê, Ngài là “Thiên Chúa hằng sống”, “Đấng Hiện Hữu”, “Đấng Hằng Hữu”. Thiên Chúa chí thánh luôn có mặt để cứu độ (Xh 3,14; Ga 8,28).

34. H. Thiên Chúa có cho ta biết thêm điều gì về Ngài nữa không?

T. Thiên Chúa tỏ ra Ngài là Đấng siêu việt trên vũ trụ và lịch sử loài người; chính Người tạo thành trời đất, muôn vật. Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, Ngài đầy lòng xót thương (Xh 34,5-7; Ep 2,4).

35. H. Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất dạy ta điều gì?

T.      – Một là nhận biết sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa,

– Hai là cảm tạ Chúa vì Ngài đã dựng nên ta,

– Ba là tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh,

– Bốn là nhận biết sự hợp nhất và phẩm giá đích thực của mọi người,

– Năm là sử dụng các thụ tạo theo thánh ý Chúa.


4. Cầu nguyện kết


Ä





Cảm nghiệm mới


: Lạy Chúa từ bấy lâu nay khi giao tiếp với ai, hay khi con nhìn mọi người, con chưa nhận ra con phải có tương quan với Chúa. Con hay có những thói xấu khinh chê, hoặc coi trọng mình hơn. Con quên rằng con là con dân của Chúa và phải biết đối xử với nhau theo giao ước yêu thương và theo luật giới răn của Chúa. Nhưng Chúa vẫn trung thành yêu thương con. Giờ đây sau khi học biết Chúa là Thiên Chúa Duy Nhất đời con. Con tin tưởng và phó thác đời con trong tay Chúa. Con nhận ra những điều tốt nơi anh chị em con, nơi bạn bè con. Xin Chúa giúp con sống chia sẻ những gì con có theo thánh ý Chúa. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa vì Chúa luôn bao bọc chở che con, cho con được sống yên hàn. Một phút hồi tâm, các em nắm tay nhau thành vòng tròn cầu nguyện lớn tiếng! hoặc đọc chung kinh tin kính… và mười điều răn của Chúa.


Ä





Quyết tâm sống:


Nay con quyết tâm sống tốt ngoan hiền với mọi người và xác tín mạnh mẽ hơn nữa: CHÚA LÀ THIÊN CHÚA DUY NHẤT ĐỜI CON. Con quyết tâm không bao giờ nói xấu ai nữa.


Bởi vì: Nói xấu tha nhân là gây ra cơn dịch truyền nhiễm đầu độc và phá hoại công cuộc tông đồ.


Nó đối nghịch với đức bác ái, hoang phí sức mạnh một cách vô ích, gây thiệt hại cho bình an nội tâm và đánh mất sự kết hợp với Thiên Chúa.

(Thánh José Escriva)


Ban Giáo lý Giáo phận

Các bài viết liên quan

Viết một bình luận