Bài 10: Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người | GIÁO PHẬN MỸ THO


GIÁO LÝ CÔNG GIÁO


LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

Bạn đang đọc: Bài 10: Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người | GIÁO PHẬN MỸ THO">Bài 10: Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người | GIÁO PHẬN MỸ THO

1. Mở đầu: (Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin)

2. Trình bày nội dung giáo lý: (Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn)

3. Một điểm thực hành: (Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn)

4. Cầu nguyện kết: (Cử hành Niềm Tin)


BÀI 10: THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI

GLHTCG: 355-384; BTY: 66-72


Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1, 26)


1. Mở Đầu

Ä



Phút thánh hóa

– Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

– Hát kinh: Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con, ban xuống cho con hồng ân chan chứa trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.  Nguyện xin Chúa Ngôi Ba đoái nghe lời con thiết tha, tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thẳm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

Ä



Giới thiệu chủ đề


Cách đây hơn 30 năm, vào một buổi sáng dưới chân cầu Cà Mau, có một đám rất đông tụ tập vì sự xuất hiện của một phụ nữ lạ với một đứa trẻ chừng 3 tuổi. Điều đáng nói là người phụ nữ này đang rao bán đứa trẻ. Chị ta chưa kịp làm xong cái việc bất nhân này thì lực lượng công an địa phương đã ập tới. Thấy vậy, người phụ nữ này đã nhanh chóng bỏ trốn, vứt lại đứa trẻ. Bà Nguyễn Thị Thủy đã  nhận nuôi đứa trẻ và đặt tên cho em là Nguyễn Minh Hiếu. Cả gia đình bà, ai cũng yêu quý Hiếu. Và chính vì thương đứa con nuôi mà lúc nào bà cũng mong Hiếu tìm được cha mẹ ruột của mình. Đã có rất nhiều cuộc tìm kiếm trong nhiều năm nhưng đều vô vọng. Bỗng một ngày, một người phụ nữ tên là Phạm Thị Kim Huyền ở quận 5 – Tp. HCM đến tìm gia đình bà Thủy và khẳng định rằng Hiếu là con ruột của mình. Bà Huyền kể lại cái ngày đau đớn nhất của đời bà, đó là ngày bà mất đứa con trai mới lên 3 tuổi. Hôm đó, anh trai của bé đưa bé đi khám bệnh ở trạm xá. Lúc khám xong, người anh đang chuẩn bị tiền để mua thuốc cho em thì một người phụ nữ xuất hiện với vẻ mặt rất niềm nở. Sau vài câu thăm hỏi nhiệt tình, chị ta nói với người anh: “cháu vào mua thuốc cho em đi, để cô coi em cho”. Người anh còn quá ít tuổi đã tin và giao em cho người phụ nữ nọ, rồi vào mua thuốc. Lúc người anh quay ra thì người phụ nữ đã biến mất cùng với đứa em trai. Người anh hốt hoảng, khóc lóc thảm thiết tìm em, nhưng vô vọng. Từ đó, Cả nhà bà Huyền luôn sống trong đau khổ, thương xót và lo lắng cho số phận của đứa trẻ. Họ ra sức tìm kiếm đứa trẻ bao nhiêu năm trời mà vẫn chẳng có hy vọng gì.


Khi gặp Hiếu và đối chiếu những thông tin, những đặc điểm của Hiếu bà Huyền và những người thân rất hy vọng Hiếu là con em của họ. Thế là mẫu máu của anh Hiếu và bà Huyền được gửi đến Trung tâm Phân tích ADN để xác định xem họ có phải là hai mẹ con hay không.


Theo kết quả ADN, Anh Hiếu không phải là con đẻ của bà Huyền. Khi kết quả này được công bố, những người trong cuộc tỏ rõ sự buồn chán, thất vọng…


Sau đó anh Sơn tìm đến khẳng định Hiếu là em của anh, bởi em trai của anh Sơn cũng bị thất lạc lúc 3 tuổi. Một lần nữa việc xét nghiệm cũng không mang lại kết quả, Minh Hiếu vẫn chưa tìm được người thân.


Vậy là hàng chục năm trôi qua, Minh Hiếu giờ đây đã là một người đàn ông trưởng thành nhưng may mắn vẫn chưa đến được với anh. Nửa cuộc đời, anh đã đi tìm cha mẹ trong vô vọng….

Theo Hà Tuyết – ANTĐ

Câu chuyện thực tế trên cho ta thấy rằng, khát vọng biết về thân phận, gốc tích của anh Hiếu chẳng ngơi nghỉ, và có lẽ theo suốt anh cho đến khi anh gặp được cha mẹ ruột của mình. Qua anh Hiếu ta cũng có thể hiểu khát vọng về cội nguồn cách chung nhất của nhân loại. Khát vọng này được thể hiện qua việc con người liên lỉ tra vấn về mình: Tôi là ai? Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Ý nghĩa đích thực của đời người là gì? Vị thế của con người ở trong thế giới này?

Sự có mặt của con người vẫn mãi là một ẩn số, không có lời giải đáp thỏa đáng xét về phương diện lý trí. Tại sao vậy? Anh Hiếu ở câu chuyện trên sẽ chẳng bao giờ biết được thân phận thật của mình trừ phi gặp được bố mẹ ruột của mình. Cũng vậy, con người muốn hiểu về mình thì buộc phải tìm đến Đấng là Cội Nguồn, Người cũng là Đấng luôn tìm mọi cách để cho con người hiểu rõ sự thật về họ.

Ä



Vấn đề giải quyết

– Nguồn gốc con người có phải là ngẫu nhiên, tình cờ?

– Qua Thánh Kinh Chúa đã mặc khải cho con người biết được những gì? (Vị trí, ý nghĩa và vai trò của con người trong thế giới?)

– Có một vấn nạn mà chúng ta thường nghe: Thiên Chúa tốt lành như thế lại tạo dựng con người có quá nhiều bất toàn, giới hạn? Tại sao con người phải đau khổ, phải chết…?


2. Trình bày nội dung giáo lý

Ä

 

Các em thảo luận để làm sáng tỏ con người có phải là ngẫu nhiên, tình cờ?

 + Có thời người ta khẳng định con người bởi khỉ mà ra, hay tất cả thế giới kỳ diệu và xinh đẹp này được bắt đầu từ một hạt bụi vô tri vô giác tạo ra (vụ nổ Big-bang), em nhận định như thế nào?

?



 

Đúc kết phần thảo luận của các em


: Đây là một lập luận hết sức phi lý và theo như nhà tư tưởng lỗi lạc Pascal nhận định: Nếu thế giới này được hình thành từ tình cờ ngẫu nhiên thì chúng ta cũng có thể trông mong đặt 24 chữ cái vào rổ rồi xóc và đến một lúc nào đó nó sẽ xếp thành một câu thơ để đọc. Quả thật nếu thế giới do ngẫu nhiên mà có thì biết bao điều không thể giải thích được. Nó lẫn quẩn như vấn nạn: con gà có trước hay cái trứng có trước… Nên đã là người dù ở thời tiền sử hay thời văn minh điều có trực giác rằng thế giới này không thể do ngẫu nhiên mà có.


Ä









Các em thảo luận để làm sáng tỏ Chúa đã mặc khải cho con người biết được những gì?

 + Theo em Thánh Kinh đã khẳng định về nguồn gốc của con người như thế nào?

+ Thánh Kinh khẳng định con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, em hiểu như thế nào? (hình ảnh theo vóc dáng, hình hài, hay giống Thiên Chúa theo kiểu nào?)

?




Đúc kết phần thảo luận của các em


: Ngay trang đầu của Thánh Kinh Chúa mặc khải cho ta biết cội nguồn đích thực của con người là Thiên Chúa (x. St 1, 26). Ngài là Tạo Hóa còn con người là thụ tạo, nhưng không như các thụ tạo khác, vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài: có khả năng yêu thương, khả năng nhận biết Cội Nguồn, phân biệt thiện-ác, tự do để định đoạt trên cuộc đời mình. Vì là hình ảnh Thiên Chúa nên con người được mời gọi cộng tác vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa: cai quản và thăng tiến thế giới theo Thánh ý Ngài.

 


Ä


 

Các em đóng góp ý kiến thảo luận: Tại sao con người phải đau khổ, phải chết…?

+ Theo em Thiên Chúa tạo dựng con người để làm gì?

+ Thiên Chúa vì yêu thương mà dựng nên con người, vậy tại sao con người gặp bất hạnh và khổ đau?

+ Theo em làm thế nào để con người có được hạnh phúc thật và thế giới này không còn khổ đau?

?



 

Đúc kết phần thảo luận của các em


: Thánh Kinh diễn tả: lúc khởi đầu con người ở trong vườn địa đàng, như muốn nói rằng hiện trạng hạnh phúc của con người khi sống thân mật, hiệp thông tròn đầy với Thiên Chúa. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng đó là một thế giới đã hoàn hảo, tất cả mọi sự đã được sắp sẵn để cho con người chỉ có việc hưởng dùng, nhưng là một thế giới mang tính hài hòa, trật tự, bổ túc cho nhau và con người có vai trò quản lý, thăng tiến chúng. Nhưng trớ trêu thay con người đã phá bỏ giới luật (x.St 3,1-7), đi ngược với Thánh Ý Thiên Chúa. Vì vậy thế giới không còn sự hài hòa như thuở ban đầu. Đau khổ, chết chóc xảy ra là do tội của con người. Tội phá bỏ mối hiệp thông thân mật giữa con người và Thiên Chúa. Tội làm con người chia rẽ, xâu xé lẫn nhau. Tội làm cho con người cảm thấy gánh nặng trách nhiệm mà Chúa trao phó (x.St 2, 15).

Như vậy con người muốn có hạnh phúc, sống ý nghĩa thì buộc họ trở về với Chúa, sống thân mật với Ngài, tiếp nhận Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô để trở nên chi thể của Người và tất cả mọi người làm thành một đoàn chiên duy nhất, hiệp thông trong cùng một tình yêu Thiên Chúa là Đấng chăn chiên.


Ä









Thảo luận làm sáng tỏ Thiên Chúa dựng nên con người là một bản thể duy nhất có xác và hồn

+ Nhìn vào chiếc máy vi tính ta thấy có bộ nhớ, biết lập trình, biết tính toán, có thể đánh cờ với con người, nhưng điều gì làm nó mãi mãi không bằng con người được?

+ Những người theo thuyết duy thực nghiệm, hay duy vật thường bảo với ta: vật chất sinh ra tinh thần. Vậy em có tin một ngày nào đó cái vi tính sẽ biết yêu thương, biết suy tư, biết tranh đấu để mình được tự do không làm công cụ cho con người nữa?

+ Theo em sở dĩ con người không như máy tính, không như các sinh vật khác, họ có khả năng vượt lên và làm chủ thế giới là do ở yếu tố nào?

?



 

Đúc kết phần thảo luận của các em


: Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2,7). Qua hình ảnh biểu tượng Thánh Kinh đã cho ta thấy rằng con người là thụ tạo duy nhất vừa vật chất vừa tinh thần. Là vật chất con người mang một thân xác có tương quan mật thiết với thế giới, nó cũng chịu sự chi phối bởi những định luật vật lý, bị giới hạn trong không gian và thời gian. Là tinh thần con người có khả năng nhận biết mình, cảm thấy mình vượt trên cả thế giới mình đang sống và làm chủ trên vận mệnh của chính mình và thế giới.

Ta thường gọi phần vật chất là thể xác còn phần tinh thần là linh hồn. Cả hai là duy nhất không thể tách rời để làm nên một con người có tính cách độc đáo riêng biệt, không thể thay thế. Phần linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, có tính chất thiêng liêng và bất tử.

 


Ä









Các em thảo luận


làm sáng tỏ Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ.

+ Có người bảo: nếu con người cũng như cây rau muống, cứ đến thời nó nức ra một cây mới, cần đực cái làm chi cho phức tạp. Vậy theo em Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ để làm gì vậy?

?



 

Đúc kết phần thảo luận của các em


: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1, 27).

Rõ ràng Thánh Kinh muốn khẳng định cho ta thấy rằng họa ảnh của Thiên Chúa là yêu thương. Do đó con người chỉ được tạo dựng là nam hay nữ. Trong tính cách là nam hay nữ con người mở ra cho sự tương quan, hiệp thông giữa những khác biệt để tạo nên sự duy nhất. Trong Thánh Kinh nói rõ: Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt (St 2,24). Do đó, hôn nhân gia đình diễn tả rõ nét cộng đoàn yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình họa lại hình ảnh của cộng đoàn này qua việc lưu truyền, thăng tiến sự sống. Con người phải sống sự bình đẳng như trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa; trong đó phẩm giá của họ bằng nhau, tuy mỗi giới có vai trò khác biệt trong chương trình của Người.

 


Ä


 

Các em đóng góp ý kiến thảo luận làm sáng tỏ sống ơn gọi làm người

+ Theo Thánh Kinh thì ngay từ đầu con người được Thiên Chúa ban đặc ân sống trong ơn nghĩa với Chúa, không phải đau khổ và chịu cảnh chết chóc. Vậy theo em để đáp trả lại Ý định yêu thương ấy, chúng ta phải làm gì?

?



 

Đúc kết phần thảo luận của các em


: Sống ơn gọi làm người là sống không vì những xu hướng thấp hèn mà đánh mất đi phẩm giá cao quí của mình. Sống ơn gọi làm người là luôn nổ lực thăng tiến bản thân qua việc dấn thân yêu thương phục vụ. Nên nhớ con người là tinh thần trong xác thể nên con người phải hoàn thiện mình một cách toàn diện: dấn thân làm cho thế giới này tươi đẹp, thăng tiến về mặt nhân bản, nhưng luôn trong tư thế ngẩng cao đầu nhìn về trời, và đừng bao giờ để cho những giá trị vật chất che lấp đi những khát vọng vô biên nơi lòng mình. Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện (Mt 5, 48).

Ä



Cầu nguyện giữa giờ

 

– Hát bài: MUÔN TẠO VẬT ƠI

– Tâm tình: Lạy Chúa, vì yêu thương và vì muốn con hạnh phúc mà Chúa đã tạo dựng nên con và ban cho con quá nhiều hồng ân, muôn đời con chỉ biết ca tụng tình yêu của Ngài mà thôi. Ước gì sau giờ học này xin cho con ý thức hơn về ơn gọi làm người của mình để đừng bao giờ đánh mất nó như biết bao bạn trẻ ngày hôm đã làm. Họ đã vì những thú vui giả tạo, những phút cảm xúc chóng qua mà đã không ngần ngại đánh mất đi phẩm giá làm con Chúa để ngụp lặng trong vũng bùn ô nhơ tội lỗi. Lạy Chúa xin giải thoát chúng con và rất nhiều người đã và đang trên con đường lạc xa Chúa. Amen!


3. Một điểm thực hành

Ä



Sinh hoạt giáo lý

Ä





Một điểm thực hành

– Noi gương anh thánh Saviô: Thà chết không phạm tội!

Ä






Bài học ghi nhớ



1. H. Con người được Thiên Chúa tạo dựng như thế nào?

T. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến cách tự do, Đấng tạo dựng nên mình.



2.  H. Thiên Chúa dựng nên con người để làm gì?

T. Để thờ phượng Thiên Chúa và sống hạnh phúc với Ngài.



3. H. Tại sao mọi người làm thành một loài duy nhất?

T. Vì tất cả mọi người đều có cùng một nguồn gốc và một Đấng cứu độ duy nhất.



4.  H. Loài người là loài nào?

T. Loài người là loài có linh hồn và thể xác, cả hai làm thành một bản thể duy nhất.



5. H. Ai ban linh hồn cho con người?

T.Thiên Chúa đã trực tiếp ban linh hồn bất tử cho con người.


 6. H. Vì ý nào Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ?

T. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ để họ bổ túc cho nhau và cộng tác với Ngài trong việc lưu truyền sự sống.



7. H. Thuở ban đầu Thiên Chúa đã ban cho con người những đặc ân nào?

T. Thiên Chúa đã ban cho con người được sống trong ơn nghĩa với Ngài, không phải đau khổ và không phải chết.

Ä



Cầu nguyện kết

– Tâm tình: Con cám ơn Chúa đã cho con làm người và còn ban cho con ơn gọi làm người Kitô hữu, xin cho con biết cao rao tình yêu Ngài bằng một đời sống dấn thân phục vụ để cho thế giới này ngày càng tươi đẹp hơn. Amen!

– Làm dấu kết.


Ban Giáo lý Giáo phận

Các bài viết liên quan

Viết một bình luận