Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh

Hình ảnh phản ứng từ phần mềm khi xuất hiện sự cố trên lưới điện

(baophutho.vn) – Thời gian qua, Công ty Điện lực Phú Thọ đã triển khai các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ trong tất cả các mặt điều hành SXKD, qua đó đáp ứng được phần lớn yêu cầu của người sử dụng. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng điện là những giải pháp mà các đơn vị triển khai thường xuyên. đa phần khách hàng đánh giá cao những đổi mới, tiến bộ và chất lượng dịch vụ của ngành Điện, song cũng có những góp ý hết sức sát thực, ý nghĩa nhằm giúp ngành Điện tiếp tục cải thiện và tăng cường hơn nữa chất lượng dịch vụ. 

Cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trong công ty đã thay đổi tư duy, tích cực hơn trong việc cải tiến phương pháp làm việc, luôn sẵn sàng làm việc từ xa. Thưc hiện theo Kế hoạch của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Phú Thọ tổ chức thi chức danh CNTT cho CBCNV nhằm nâng cao trình độ chuyên môn lĩnh vực CNTT. Theo đó, những CBCNV thi đạt đã nắm bắt đầy đủ những kỹ năng về CNTT phục vụ công tác SXKD, đảm bảo vận hành các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn được giao phụ trách. 

Để đảm bảo an toàn thông tin cho CBCNV khi làm việc ở nhà, phòng Công nghệ thông tin cung cấp tài khoản VPN cho mỗi cá nhân, với hệ thống đường truyền ổn định và hệ thống máy chủ cấu hình cao, đảm bảo việc kết nối với các phần mềm phục vụ sản xuất kinh doanh liên tục, ổn định. Bên cạnh đó, với nền tảng ứng dụng công nghệ như: Hệ thống hội nghị truyền hình, Microsoft Teams, Zoom, VPN,…, Công ty Điện lực Phú Thọ hoàn toàn chủ động trong việc chuyển đổi hình thức làm việc, hội họp và học tập trực tiếp sang trực tuyến ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện nay, hệ thống hội nghị truyền hình được trang bị hiện đại đến 11 điện lực trực thuộc. Tính đến tháng 7/2021, đã có 114 phiên họp hội nghị truyền hình điều hành sản xuất, 16 lớp đào tạo các nghiệp vụ chuyên môn qua hệ thống hội nghị truyền hình. Với nền tảng ứng dụng Zoom, công ty đã tổ chức tập huấn cho 145 học viên, tổ chức thi nâng bậc cho 143 CBCNV, tổ chức họp giao ban, họp chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19,…

Những thay đổi nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành điện kịp thời nắm bắt công nghệ hiện đại để đổi mới sáng tạo thay thế cho phương thức SXKD truyền thống nhằm tránh nguy cơ bị tụt hậu và tiến tới làm chủ trong môi trường điện cạnh tranh. Công ty Điện lực Phú Thọ đang được đầu tư phát triển lưới điện thông minh; vận hành, điều khiển điện từ xa; cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử… Từ tháng 10 năm 2019, Công ty đã triển khai các dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử bao gồm: Cấp điện mới; thay đổi định mức số hộ; thay đổi mục đích sử dụng điện; di dời thiết bị; gia hạn, chấm dứt, thanh lý, ký mới hợp đồng; thay đổi thông tin; dịch vụ sau công tơ và tăng cường công suất.

Công ty Điện lực Phú Thọ tổ chức hội nghị truyền hình kết nối tới 11 điện lực trực thuộc

Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch COVID-19, Điện lực Thanh Thủy tập trung đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ khách hàng, đồng thời khuyến cáo khách hàng tăng cường sử dụng các dịch vụ điện theo hình thức trực tuyến qua các kênh dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc cộng đồng để phòng, chống dịch COVID-19, cùng với đó Điện lực Thanh Thủy chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 3, 4 thông qua Email, Zalo và các ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành Điện.

Trước đây, những dịch vụ này cần có sự giao tiếp trực tiếp giữa khách hàng và điện lực trong quá trình giao dịch, ký kết hồ sơ giấy tờ giữa hai bên. Khi chuyển sang phương thức giao dịch điện tử, ngành điện sẽ sử dụng phương thức OTP và chữ ký số để xác nhận giao dịch, không sử dụng văn bản giấy mà thay vào đó sẽ là các file điện tử dạng PDF lưu trữ trên máy tính và khách hàng có thể truy cập trên website Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ điện theo hình thức giao dịch điện tử cũng giúp ngành điện rút ngắn quá trình cung cấp dịch vụ; nâng cao năng suất lao động, giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát việc triển khai giải quyết yêu cầu khách hàng tại các Điện lực.

Các bài viết liên quan

Viết một bình luận