Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến – Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhẹ thì gây đau đớn, khó chịu, nặng thì có thể gây tàn phế, bại liệt tứ chi.

1. Tìm hiểu về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý thể hiện tình trạng nhân nhầy ở đĩa đệm cột sống bị thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi và gây ra sự chèn ép vào ống sống hoặc các rễ thần kinh sống, khiến người bệnh luôn cảm thấy đau đớn, khó chịu. Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra tại nhiều vị trí khác nhau của cột sống như: cột sống cổ, thắt lưng, lưng, cùng cụt… nhưng thắt lưng là dễ gặp phải nhất.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, tuy nhiên, ở lứa tuổi lao động là dễ mắc phải nhất. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có khoảng 65% bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nằm trong độ tuổi từ 20 – 50. Căn bệnh này gây ảnh hưởng đến cuộc sống, năng suất và hiệu quả lao động.

Trong cuộc sống, có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng như:

  • Do người bệnh phải lao động nặng nhọc trong thời gian dài;
  • Do nâng, nhấc một vật nặng quá đột ngột sai tư thế và gây tác động mạnh đến vòng xơ bao quanh đĩa đệm;
  • Do tuổi tác, đĩa đệm cột sống thắt lưng thường sớm bị loạn dưỡng, thoái hóa tổ chức;
  • Do người bệnh bị chấn thương, tai nạn….

2. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Ngay khi có dấu hiệu và nghi ngờ bản thân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì người bệnh cần chủ động đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tiến hành các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh chính xác.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) với độ phân giải cao, cho hình ảnh sắc nét sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và các vùng khác, đồng thời qua những hình ảnh mà MRI cung cấp cũng có thể giúp đánh giá tủy sống và các dây chằng chính xác hơn.

Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp MRI khi :

  • Bệnh nhân có biểu hiện đau thắt lưng kèm theo đau rễ L4, L5 hoặc S1;
  • Bệnh nhân chỉ đau rễ L4, L5 hoặc S1 mà không bị đau thắt lưng;
  • Bệnh nhân bị teo cơ vùng cẳng chân, có hoặc không đau thắt lưng;
  • Bị teo cơ cẳng chân kèm rối loạn cơ vòng;
  • Ngoài ra, trong các trường hợp khác, bệnh nhân nếu khám lâm sàng đau theo rễ không điển hình thì cũng có thể làm MRI để tầm soát thêm các bệnh lý khác như: năng quan rễ S2 hoặc S3, trượt đốt sống thắt lưng, khối u chùm đuôi ngựa, u dây sống cùng cụt hoặc lao cột sống….

3. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

3.1 Các phương pháp điều trị

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ thực hiện theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Đa số các trường hợp người bệnh sẽ được điều trị nội khoa từ 3 đến 4 tuần lễ, nếu trong khoảng thời gian này mà phương pháp điều trị nội khoa có thể đáp ứng trên 50% cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị nội khoa lâu dài hơn.Trường hợp khi vòng xơ của người bệnh đã vỡ, nhân đệm đi qua khe hở của dây chằng dọc sau vào trong ống sống hoặc lỗ thần kinh và chèn ép nặng rễ và chùm đuôi ngựa (thể hiện rõ trên MRI) thì người bệnh nên đặt vấn đề can thiệp ngoại khoa sớm.

3.2 Khi nào cần mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng?

Bác sĩ sẽ chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng khi:

  • Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng kèm đau rễ điển hình (đau một hoặc hai chân);
  • Bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm theo triệu chứng teo cơ cẳng chân và tê ở bàn chân hoặc ngón chân;
  • Nhân đệm đã nằm trong ống sống của người bệnh;
  • Bệnh nhân bị hẹp quá nặng lỗ thần kinh kèm đau rễ điển hình.

3.3 Các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Một điều đặc biệt lưu ý khi mổ thoát thoát vị đĩa đệm thắt lưng là nên cân nhắc lựa chọn phương pháp nào có thể giúp đem lại hiệu quả cao và lâu dài. Cho đến hiện tại, có 2 phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, đó là:

  • Ứng dụng vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm:

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Với đặc điểm là sử dụng kính vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm giúp giải phóng rễ thần kinh. Nhờ có kính vi phẫu thuật, các phẫu thuật viên sẽ quan sát rất rõ tủy sống, rễ thần kinh và các tĩnh mạch quanh màng cứng, nhân đệm, đồng thời có thể giúp hạn chế đến mức thấp nhất những tai biến có thể xảy ra trong khi tiến hành phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp vi phẫu thuật để lấy nhân đệm là thời gian mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ngồi dậy, đi lại sau mổ 24 và chỉ mất 3-4 ngày nằm viện.

  • Lấy nhân đệm qua nội soi:

Từ thập niên 90, phương pháp nội soi đã áp dụng phổ biến trong các lĩnh vực ngoại thần kinh, trong đó có ứng dụng nội soi để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Mặc dù kết quả điều trị của phương pháp lấy nhân đệm qua nội soi và ứng dụng vi phẫu để loại bỏ nhân đệm hoàn toàn giống nhau, nhưng nội soi để lấy nhân đệm vẫn còn nhiều hạn chế so với phương pháp lấy nhân đệm vi phẫu. Một số trường hợp đây không thể sử dụng được nội soi gồm:

  • Bệnh nhân đã mổ thoát vị đĩa đệm lưng trước đây;
  • Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhiều tầng và thoát vị trung tâm;
  • Bị hẹp ống sống kèm theo hoặc hẹp lỗ liên hợp, hẹp ngách bên, hẹp khoang đĩa đệm và hẹp lỗ liên hợp;
  • Bị thoát vị đĩa đệm tái phát và xơ hóa;
  • Bệnh nhân bị mất vững cột sống.

Tóm lại, bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống lưng rất phổ biến. Một khi đã mắc phải căn bệnh này nếu không có phương án điều trị sớm sẽ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, nhờ vào phương pháp chẩn đoán chụp cộng hưởng từ MRI, các phẫu thuật viên sẽ chọn lựa và chỉ định phương án điều trị phù hợp, giúp mang lại hiệu quả cao. Đó đó, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm, điều trị càng sớm thì hiệu quả càng tăng lên.

Thạc sĩ Lê Dương Tiến đã có 20 kinh nghiệm làm chuyên môn về chuyên khoa Nội. Đặc biệt bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp, thần kinh, nội tiết và tim mạch và hiện là Bác sĩ Nội tổng hợp Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Các bài viết liên quan

Viết một bình luận