Advertising
(Tom/ Viễn Đông)
Bài TOM
Lâu nay, người ta hay nói tới thịt bò xào lá lốt, thịt bò nướng lá lốt, thịt bò nấu canh lá lốt… Và thanh hơn một chút thì có thịt bò nướng lá dâu, thịt bò nấu canh lá dâu, thịt bò xào lá dâu… Bởi nếu như thịt bò xào lá lốt là món ăn chống bệnh thống phong, giúp cho người bị nhức xương kinh niên, mỏi nhừ mỗi khi thời tiết thay đổi có thể giảm bớt cơn đau, thậm chí thuyên giảm bệnh tật do thống phong đã được triệt tiêu sau quá trình dài dùng món thịt bò xáo lá lốt… Thì món thịt bò nấu canh lá dâu (tằm), thịt bò xào lá dâu, thịt bò gói lá dâu tằm nướng kín trong lá chuối xanh lại giúp cho người mất ngủ có được giấc ngủ ngon… Chứ ít nghe món lòng bò xào lá lốt hoặc lòng bò xào lá dâu. Kỳ thực, món lòng bò lá sách xào lá dâu mới là vị thuốc đáng nói.
Món lòng bò, đặc biệt là lòng bò lá sách (tức phần lòng bò màu trắng, có hình lá sen, có nhữnglớp xếp như tổ ong và xếp từng lớp nên người ta gọi lá sách) xào lá lốt là món ăn rất dễ ăn nhưng trị được bệnh đại tràng, lo lắng và thống phong. Người nào mất ngủ vì lo lắng, tâm trạng bồn chồn, tối nằm ngủ thấy cơ thể mỏi nhừ và có cảm giác tay chân như đang bị tháo rời, không còn là của mình nữa, thì rất đơn giản, cứ mua lòng bò lá sách, về xào với lá lốt, nêm nước mắm, hành tiêu tỏi ớt đầy đủ, cứ vậy mà ăn, trong vòng ba ngày, mọi chứng bệnh trong cơ thể không thuyên giảm thì tốt nhất nên đến bệnh viện để khám và chữa trị gấp vì bệnh đã thấu vào xương tủy. Đây là cách ăn chữa bệnh àm cũng là thử bệnh nặng nhẹ ra sao.
Tôi có người anh em chú bác họ, là võ sư, từng vào sinh ra tử trên các võ đài Sài Gòn những năm trước 1975. Đến sau biến cố 1975, ông cũng là một quân nhân, mang quân hàm sĩ quan nên không ngoại lệ, phải đi học tập cải tạo. Mấy ngày học tập cải tạo “là xong ngay,” theo lời kêu gọi, lời mời gồm cả cưỡng chế của chính thể mới, đã kéo dài gần mười năm trời, di chuyển từ Trung ra Bắc, đến tận Cổng Trời và ông may mắn sống sót trở về. Lúc về nhà, đương nhiên vợ còn không nhận ra ông, tấm thân to chắc như gỗ lim của ông được thay thế bằng một con người hốc hác, đói ăn, buồn bã. Nhưng bù vào đó, ông may mắn sống sót và rất điềm tĩnh.
Cái điềm tĩnh của ông giúp ông, sau khi về nhà, ông dặn vợ đi mua đu đủ xanh về nấu với muối, ông ăn thay cơm liên tục một tuần để đẩy các độc tố của rừng thiêng chướng khí, rồi sau đó ông liên tục ăn món lòng bò lá sách xào lá lốt với tỉ lệ 50%, tức là nửa ký lá lốt với nửa ký lòng bò lá sách xào chung, ăn trong một ngày. Hai món ăn này, gồm đu đủ xanh nấu canh và lòng bò xào lá lốt sau đó đã giúp ông khỏe mạnh trở lại, không bị ngứa ngáy, nhức mỏi, đau đầu và di chứng đại tràng vì ăn uống đói no thất thường nơi trại cải tạo như nhiều người khác, thậm chí tránh được sốt rét ác tính. Nói nghe tưởng đùa vì sốt rét ác tính làm sao tránh được vì mấy miếng ăn.
(Tom/ Viễn Đông)
Trên thực tế, đã sốt rét thì khó sống, mà sống giữa rừng thiêng nước độc, tránh được sốt rét là một chuyện vô cùng hi hữu, những trại viên cùng lứa từng tiếp xúc với anh tôi, không có ai bị sốt rét ác tính bởi ông gặp người nào cũng dạy họ cách dùng ớt, ăn ớt trước điểm tâm và làm sạch máu bằng cách ngồi thiền, uống nước mỗi khi có mưa rừng… Mọi phương pháp tăng cường nội lực trong nhà võ đều được ông mang ra triển dụng trong trại cải tạo, ngoại trừ các đòn đánh. Nhờ vậy mà sống giữa điều kiện thiếu thốn mọi bề, những trại viên bạn bè của ông vẫn trụ được.
Và khi về nhà, món giúp ông lấy lại được nội lực, phục hồi sức khỏe lại chính là món lòng bò lá sách xào lá lốt. Bởi đơn giản, theo quan niệm y học Nam Y, tức nghề thuốc Nam, thì lòng bò lá sách là nơi chứa nhiều năng lượng thiên nhiên nhất, các loại dưỡng chất từ cỏ cây, thiên nhiên sẽ được hấp thụ ở đây nhiều nhất, và lá sách luôn dự trữ một nguồn năng lượng sạch khá lớn trước khi “xuất kho” theo đường máu đến với các tế bào. Nhưng bù vào đó, lá sách lại không bị quá nhiều đạm như thịt đùi, thịt vai, thịt sườn… Lá lốt là một vị thuốc chữa thống phong, người ta có thể nấu nước để tắm, ngâm cho trẻ con, người lớn, trường hợp bị thống phong quá nặng thì có thể sắc nước uống như thuốc Bắc, thuốc Nam. Nhưng cách hay nhất để chữa bệnh thống phong là ăn từ từ với lòng bò lá sách. Và để tránh bị ngấy khi ăn liên tục, người ta thường chọn món xào, cho một chút dầu phụng phi hành tỏi, xào lòng bò lá sách (xắt nhỏ bằng nửa que khoai tây chiên) trước, để bếp thật nhỏ lửa, sau đó cho lá lốt vào, cho thêm chút nước mắm, tiêu bột vào nữa, vặn lớn lửa, khi nào mùi thơm lá lốt tỏa ra thì có thể tắt bếp, có thể ăn.
Món này dùng để nhắm rượu, uống bia, ăn với bánh tráng giòn chấm nước mắm ớt tỏi, ăn với cơm nóng, ăn với các món khác trong bữa cơm… Có thể nói rằng đây là món phổ thông, ngon, bổ và rẻ. Nhưng cái món ngon bổ rẻ này lại cho cảm giác rất gần gũi, rất nhà quê mà vô hình trung cũng gợi nhắc một thời xa vắng nào đó, cái thời mà chỉ có cán bộ cao cấp, quyền lực mới có thịt để ăn, còn người dân, đặc biệt là thành phần “chế độ cũ” giỏi lắm cũng mua được bộ lòng bò là quí lắm rồi. Nhưng vấn đề không phải là ăn cái gì mà chế biến ra sao và hiểu được ý nghĩa của nó khi ăn mới quan trọng. Nếu không, một ký thịt bò cũng được xem bổ ngang hàng với một ký rau muống, thì có cũng như không!
Xin cầu chúc quí vị luôn mạnh khỏe và có một bữa ăn vui vẻ, ấm áp!
Source: https://sangtaotrongtamtay.vn
Category: Văn hóa ẩm thực