Đối với đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, phương pháp
nghiên cứu tài liệu được sử dụng phổ biến và có vị trí vai trò quan trọng
trong việc tạo dựng cơ sở lý luận cho một đề tài nghiên cứu.
Đặc trưng của nhóm phương pháp này là người nghiên cứu không có
bất kỳ một sự quan sát trực tiếp nào lên đối tượng nghiên cứu. Song phương
pháp này lại đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có lý thuyết “nền” làm căn cứ xuất
phát như thế giới quan, quan điểm, lập trường tư tưởng để có thái độ tiếp
nhận và cách thức xử lý thông tin phù hợp.
II. Các phương pháp nghiên cứu tài liệu
Nghiên cứu tài liệu bao gồm tập hợp các phương pháp: phân loại tài
liệu, phân tích tài liệu, đọc, ghi chép và tóm tắt tài liệu khoa học.
1. Phương pháp thu thập và phân loại tài liệu
a. Thu thập tài liệu là bước đầu tiên nhà nghiên cứu phải thực hiện khi
bắt tay nghiên cứu một đề tài khoa học. Căn cứ vào vấn đề nghiên cứu và
xuất phát từ giả thuyết khoa học, nhà nghiên cứu tiến hành xác định nguồn
tài liệu, tìm kiếm và lựa chọn những tài liệu cần thiết nhằm làm sang rõ
những vấn đề lý luận và thực tiễn để chứng minh cho giả thuyết khoa học
của mình.
Về nguyên tắc, tất cả những tài liệu chứa đựng các thông tin liên quan
đến nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài đều phải được thu thập. Song hiện nay,
sự phát triển khoa học cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cách
mạng thông tin diễn ra trên toàn cầu tác động mạnh mẽ tới quy luật tồn tại
và phát triển tài liệu khoa học. Người ta dự đoán cứ sau 10 năm số tài liệu
khoa học lại tăng gấp đôi và tiếp tục gia tăng theo hàm số mũ.
Bên cạnh đó, quy luật về sự tập trung và tản mạnh thông tin cũng tác
động đến sự tồn tại của tài liệu khoa học. Quy luật này hình thành do quá
trình phân lập và tích hợp khoa học. Quá trình phân lập các khoa học dẫn
đến việc hình thành các tài liệu chuyên môn hẹp. Quá trình tích hợp khoa
học lại dẫn đến việc hình thành các tài liệu khoa học liên ngành.
Tính hữu ích của một tài liệu khoa học được xác định bằng giá trị nội
dung, tính thời sự cũng như khả năng tương thích của nó đối với vấn đề
nghiên cứu mà nhà khoa học quan tâm. Đối với một vấn đề nghiên cứu khoa
học xã hội và nhân văn, tính hữu ích của thông tin và giá trị của tài liệu trùng
khớp khi nó tương đồng với mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể. Điều
này phân biệt với việc xem xét gia trị và tính hữu ích của thông tin khoa học
công nghệ và kỹ thuật. Thông thường, tài liệu khoa học xã hội có tuổi thọ
giá trị dài hơn. Chẳng hạn, tài liệu có tuổi thọ hang thế kỷ hoặc xa hơn như
tài liệu lịch sử, tài liệu triết học… Thậm chí, giá trị của tài liệu đó còn được
đo bằng tuổi thọ của nó.
b. Phân loại tài liệu
Phân loại tài liệu được tiến hành sau khi thu thập tài liệu để chuẩn bị
cho quá trình đọc, khai thác nội dung.
Phân loại tài liệu là phương pháp sắp xếp tài liệu khoa học thành hệ
thống logic chặt chẽ theo từng mặt, từng đơn vị kiến thức, từng vấn đề khoa
học có cùng dấu hiệu theo mục đích sử dụng của nhà nghiên cứu.
Các hình thức phân loại phổ biến hiện nay là phân loại theo tên tác
giả, phân loại theo thời gian công bố, hình thức công bố. Ngoài ra còn nhiều
cách phân loại khác, tùy theo mục đích nghiên cứu của đề tài mà nhà nghiên
cứu phân loại cho phù hợp.
2. Phân tích và tổng hợp tài liệu
a. Phân tích tài liệu
Phân tích tài liệu là phương pháp nghiên cứu tài liệu về một chủ đề
bằng cách tách chúng thành từng bộ phận, từng mặt, từng vấn đề để hiểu
chúng một cách sâu sắc, tìm thông tin phục vụ vấn đề nghiên cứu.
Phân tích tài liệu nhằm xác định độ tin cậy, tính khách quan, tính cập
nhật của tài liệu, giới hạn và phạm vi của vấn đề mà tài liệu đề cập đến. Mục
đích của việc phân tích tài liệu là thông qua phân tích hình thức và nội dung
tài liệu, nhà nghiên cứu xác định tính hữu ích của tài liệu và phạm vi có thể
kế thừa nội dung tài liệu đó đối với đề tài họ triển khai. Thông qua việc phân
tích hình thức tài liệu, xác định nguồn tài liệu, tác giả, nơi công bố, hình
thức công bố tài liệu. Trên cơ sở phân tích tài liệu, nhà nghiên cứu xác định
mức độ phải xử lý tài liệu theo mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của mình.
Sau khi phân tích các dấu hiệu hình thức, người nghiên cứu tiến hành
phân tích một số tiêu chí cơ bản về nội dung tài liệu. Theo cách này, người
nghiên cứu lập một phiếu phân tích tài liệu đối với mỗi tài liệu hay nhóm tài
liệu cụ thể. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu và khung lý thuyết
của đề tài để thiết kế nội dung của mỗi phiếu phân tích tài liệu. Phiếu phân
tích tài liệu xây dựng theo các tiêu chí: chủ đề chính của tài liệu, nội dung cơ
bản, mục đích, phạm vi nghiên cứu cũng như mức độ sử dụng của thông tin
trong tài liệu.
b. Tổng hợp tài liệu
Tổng hợp tài liệu là phương pháp liên kết từng mặt, từng bộ phận
thông tin từ tài liệu từ các tài liệu thu thập được nhằm tạo ra một cách hiểu
đầy đủ và sâu sắc về chủ đề nghiên cứu. Tổng hợp tài liệu được thực hiện
trên nhiều tài liệu phong phú về đối tượng. Tổng hợp tài liệu được thực hiện
trên cơ sở kết quả phân tích tài liệu, cho phép nhà nghiên cứu có những
thông tin toàn diện và khái quát về vấn đề nghiên cứu dựa trên những tài liệu
đã có.
Tổng hợp tài liệu nhằm mục đích xác định tính tương thích của tài liệu
so với mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, lựa chọn tư liệu cần và đủ, sắp
xếp chúng theo tiến trình thời gian hay quan hệ nhân quả.
Phân tích và tổng hợp tài liệu là hai phương pháp có chiều hướng đối
lập nhau song thống nhất biện chứng và bổ trợ cho nhau, giúp nhà nghiên
cứu nắm bắt được thông tin xung quanh vấn đề nghiên cứu một cách sâu sắc
và khái quát.
3. Phương pháp đọc và ghi chép tài liệu
Đọc và ghi chép tài liệu là một công đoạn trong phương pháp nghiên
cứu tài liệu khoa học. Cách thức đọc và ghi chép tài liệu nói lên nhà nghiên
cứu sẽ sử dụng, tiếp thu, ghi nhớ thông tin tài liệu đó như thế nào.
a. Đọc tài liệu
Phương pháp đọc tài liệu gắn liền với hành vi tư duy. Yêu cầu đạt
được khi đọc tài liệu là ghi nhớ được tên tài liệu, nguồn, tác giả tài liệu, nội
dung cơ bản, những dữ kiện được đề cập đến trong tài liệu, khả năng sử
dụng chúng trong giải quyết vấn đề khoa học của nhà nghiên cứu. Đối với
từng tài liệu, căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu của từng đề tài cụ thể có thể có
nhiều cách đọc khác nhau.
Đọc thông thường đối với tài liệu không cần thiết phải quá ghi nhớ và
chú ý nhiều.
Đọc nhanh: đọc tài liệu phổ biến thông tin khoa học với tốc độ nhanh,
đồng thời đặt ra yêu cầu ghi nhớ những thông tin căn bản trong tài liệu.
Đọc trượt là kiểu đọc chọn lọc, khi đọc mắt lướt theo toàn bộ nội dung
tài liệu nhưng chỉ chú ý đến những đoạn cần thiết.
Đọc quét cũng là một kiểu đọc chọn lọc. Khi đọc mắt không lướt trên
toàn bộ nội dung tài liệu mà chỉ lướt theo những phần có thể có thông tin ẩn.
Chẳng hạn khi nhà nghiên cứu tìm những số liệu, dữ kiện cần thiết trong các
sách tra cứu.
Đọc sâu đối với những tài liệu chuyên môn phức tạp, yêu cầu nhà
nghiên cứu phải suy nghĩ và phân tích ngay trong quá trình đọc.
Để có thể thu được những thông tin hiệu quả, nhà nghiên cứu còn cần
biết điều chỉnh tốc độ đọc, phương pháp đọc một cách phù hợp. Thông
thường, trình tự đọc một tài liệu là: đọc tổng quát tài liệu nhằm xác định
những phần, những trang phải đọc kỹ; Đọc kỹ những phần đã đánh dấu và
tiến hành ghi chép.
b. Ghi chép tài liệu
Sau khi đọc lướt toàn bộ tài liệu, nhà khoa học tiến hành đọc kỹ và ghi
chép những nội dung tài liệu có ý nghĩa với nhà khoa học và liên qua đến
vấn đề nghiên cứu của mình. Đối với các tài liệu khoa học, có thể tiến hành
ghi chép nội dung tài liệu theo những quy tắc ghi nhớ. Những ghi chép ban
đầu này chính là vật liệu thông tin đầu tiên làm tiền đề cho các nhà khoa học
tiến hành xử lý thông tin trong quá trình nghiên cứu tài liệu. Đó là thực hiện
tóm tắt tài liệu khoa học.
4. Phương pháp thực hiện tóm tắt khoa học
Tóm tắc khoa học thường được thực hiện sau khi nhà nghiên cứu tiến
hành đọc và ghi chép tài liệu.Bản tóm tắt thực hiện trên cơ sở các kết quả
thu được của việc đọc và ghi chép tài liệu.
Mục đích của việc thực hiện tóm tắt khoa học đối với tài liệu là nhằm
loại bỏ những thông tin không cần thiết trong những tài liệu đã thu thập
được, cô đọng và làm bật lên nội dung của tài liệu mà thích ứng và cần thiết
với vấn đề nghiên cứu. Đây cũng là công việc xử lý thông tin cần thiết, tích
lũy tri thức cho nhà nghiên cứu.
Tùy theo nội dung vấn đề nghiên cứu, tùy theo nội dung thông tin
trong từng tài liệu khoa học mà nhà nghiên cứu có thể tiến hành tóm tắt tài
liệu theo từng mức độ khác nhau về độ dài, mức độ chi tiết, có đánh giá, phê
phán hay không, tóm tắt toàn bộ tài liệu hay từng phần tài liệu.
Tóm tắt lược thuật là văn bản do nhà nghiên cứu thực hiện nhằm ghi
chép lại một cách cô đọng, trung thực thông tin về kết quả nghiên cứu của
một hay một nhóm tài liệu đã được phân loại có lien quan trực tiếp đến mục
tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu cần thực hiện của một đề tài khoa học.
Bản lược thuật là văn bản đúc kết một cách cô đọng nội dung của tài
liệu. Trong đó phải nêu bật được nội dung chủ đề của tài liệu, thời gian, bối
cảnh, địa điểm của sự việc, sự kiện, các phương pháp được tác giả tài liệu sử
dụng, những kết luận và triển vọng của vấn đề tác giả tài liệu nêu lên.
Bản lược thuật đạt trình độ khách quan, khoa học, làm căn cứ tin cậy
của đề tài khi được thực hiện theo những tiêu chuẩn sau: vấn đề mà tài liệu
nêu lên phải được lược thuật đầy đủ theo trình tự thời gian, đảm bảo tính lịch
sử, tính logic, tránh lược thuật các vấn đề bằng cách tách rời, cô lập vấn đề
đó khỏi bối cảnh tồn tại của nó. Bản lược thuật tài liệu cần ngắn gọn, súc
tích về nội dung, đảm bảo tính chính xác của các thuật ngữ mà tài liệu trình
bày.
Tóm tắt tổng thuật là bản trình bày tổng hợp về một hay một số vấn đề
lien quan đến mục tiêu, nhiệm vụ của một đề tài nghiên cứu dựa trên nhiều
tài liệu cùng đề cập đến các vấn đề đó.
Bản tóm tắt tổng thuật cũng cần đạt được những yêu cầu của bản tóm
tắt lược thuật. Đồng thời có sự liên hệ, so sánh, bình luận, phê phán một
cách sơ bộ các thông tin đó. Nhà nghiên cứu có thể đưa ra dự kiến về mục
đích, mức độ và phạm vi tham khảo. Bản tổng thuật tài liệu cần đảm bảo
tính khách quan khoa học của các tài liệu khảo cứu.
Bản tóm tắt lược thuật và tổng thuật tài liệu là căn cứ, dữ liệu khoa
học quan trọng để nhà nghiên cứu thông qua hoạt động tư duy sang tạo của
mình hình thành các ý tưởng nghiên cứu, tìm kiếm luận cứ chứng minh giả
thuyết. Bản tóm tắt lược thuật hay tổng luận tài liệu do người nghiên cứu
thực hiện khác với bản tổng thuật tài liệu do các cơ bản thông tin thực hiện
nhằm mục đích phổ biến thông tin.
Bản tổng thuật tài liệu này cũng khác với tổng luận kết quả nghiên
cứu thực hiện sau khi hoàn thành đề tài, là sản phẩm chính của một đề tài.
Bản tổng hợp vấn đề nghiên cứu đề cập đề cập đến trong phần này chỉ dừng
ở các sản phẩm trung gian trong nghiên cứu một đề tài.
VẤN ĐỀ ÔN TẬP
1. Tài liệu khoa học và vai trò của tài liệu trong nghiên cứu khoa học
2. Yêu cầu của phương pháp thu thập và phân loại tài liệu khoa học.
3. Yêu cầu của phương pháp đọc và ghi chép tài liệu khoa học.
4. Yêu cầu của phương pháp phân tích tài liệu khoa học.
5. Yêu cầu của phương pháp tóm tắt tài liệu khoa học.
6. Thực hành: Thực hiện phân tích một tài liệu khoa học được giao.
7. Thực hành: Thực hiện tóm tắt một công trình khoa học theo yêu
cầu được giao.
8. Thực hành: Thực hiện tóm tắt lược thuật tài liệu khoa học theo chủ
đề được giao.
CÁC PHƯƠNG PHÁP THỰC NGHIỆM KHOA HỌC
I. Khái niệm và đặc điểm của phương pháp nghiên cứu thực
nghiệm
1. Khái niệm
Thực nghiệm là phương pháp thu thập thông tin về đối tượng được
thực hiện bởi những quan sát trực tiếp trong điều kiện gây biến đổi cho đối
tượng khảo sát một cách có chủ đích.
Thực chất của phương pháp thực nghiệm là nghiên cứu dựa trên sự
mô phỏng các quá trình hiện thực. Thực nghiệm giúp nhà khoa học chủ động
tạo ra các hoạt động, các biến chuyển giúp nhà nghiên cứu quan sát mô hình
hay môi trường giả định thông qua sự mô phỏng các quá trình diễn ra trong
thực tế.
Nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện chủ yếu dựa vào nguyên tắc
xem xét mối quan hệ nhân quả. Yêu cầu chủ yếu của phương pháp này là
nhà nghiên cứu cần nắm chắc và thao túng được nguyên nhân trong một môi
trường có sự kiểm soát.
2. Các điều kiện để sử dụng phương pháp thực nghiệm
Một là, nhà nghiên cứu biết được những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự
nảy sinh và diễn biến của đối tượng nghiên cứu.
Hai là, người nghiên cứu xác định được những nguyên nhân của các
hiện tượng do vạch ra được các điều kiện ảnh hưởng.
Ba là, người nghiên cứu cần và có thể lặp lại nhiều lần thực nghiệm.
3. Các bước tiến hành thực nghiệm
Nhà nghiên cứu cần nắm được tiến trình triển khai phương pháp thực
nghiệm gồm ba giai đoạn cơ bản.
Một là, chuẩn bị thực nghiệm, người nghiên cứu cần xác định mục
đích thực nghiệm, đối tượng thực nghiệm, thời gian, địa điểm thực nghiệm.
Đồng thời, nhà nghiên cứu chuẩn bị các tiêu chí đo đạc kết quả thực nghiệm.
Xem thêm: enkulu22
Xem thêm: enkulu22
Source: https://sangtaotrongtamtay.vn
Category: Khoa học