Một số giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo hành và xâm hại

Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình… và các văn bản hướng dẫn thực hiện; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại… Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em.
Thứ hai, đối với các gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu…
Thứ ba, Ngành Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kịp thời phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý.
Thứ tư, Ngành Y tế cần quan tâm phát triển hệ thống ý tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Thứ năm, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng cần dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo đảm quyền bí mật thông tin của trẻ em.
Thứ sáu, các cơ quan tố tụng cần kịp thời giải quyết và xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em, tránh để tồn đọng, không để kéo dài các hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thứ bảy, cần tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ bị bạo lực, xâm hại; tuyên truyền, quảng bá về các số điện thoại khẩn 111 – Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Trung ương 18001567, đường dây nóng 113 và đường dây nóng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để mọi cơ quan, tổ chức, người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ và khi cần sự trợ giúp.
“Trẻ em như búp trên cành, là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước!”. Bởi vậy, việc “Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển” là một trong những mục tiêu quan trọng, là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, của toàn xã hội và của mỗi gia đình.

Các bài viết liên quan

Viết một bình luận